Người quen sống chậm

ng là một cộng tác viên quen thuộc của Báo Khoa học và Đời sống, một người yêu văn hóa, lịch sử và thích sống chậm. Ông là Lê An Khánh (64 tuổi, ở 260 Thụy Khuê, Hà Nội).

Ông Lê An Khánh

Sáng nào cũng lên thư viện đọc sách

Tôi hẹn ông vào buổi sáng, ông dặn đến sớm vì ông còn có việc phải đi. Khi đến mới biết, sáng nào cũng vậy ông đều lên thư viện Quân đội đọc sách báo cho đến tận trưa.

Thói quen thích đọc sách này ông có từ nhỏ vì ông cụ bà cụ đều làm trong ngành văn hóa, trong nhà có rất nhiều sách. Ông được đọc Vũ Trọng Phụng từ năm 11 tuổi. Lúc vào chiến trường, trong đại đội cũng xây dựng được một tủ sách nên vẫn được đọc.

Không chỉ đọc mà ông còn rất chịu khó ghi chép. Vì thế mới đây cuốn nhật ký công trình xây dựng đường dây 500kV của ông đã được trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử.

Trong căn phòng nhỏ cũ kỹ của ông, ngoài chiếc TV ra thì thứ đáng giá nhất có lẽ là sách. Nhà chật, giá sách treo ngay trên đầu giường ngủ, trên bàn làm việc. Những cuốn sách cũ đã nhuốm màu thời gian.

Cả đời chỉ biết có sách vở, nên lúc đang công tác tại Sở Điện lực Hà Nội hay khi đã nghỉ hưu, dù thương vợ con phải vất vả sống với đồng lương eo hẹp, nhưng ông cũng không biết làm thêm gì ngoài việc viết bài cộng tác với các báo. Ông đã cộng tác với báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Đại đoàn kết, Khoa học và Đời sống… Ông đang phấn đấu đạt được 500 bài viết cho các báo.

Cách đây khoảng 10 năm báo Nhân dân có mở chuyên mục bạn đọc kiến nghị các giải pháp chống tham nhũng, lãng phí, ông đã viết tới 50 bài.

Ông còn tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cộng tác viên do Báo quân đội nhân dân tổ chức. Được gặp gỡ và làm quen với nhiều bạn đồng nghiệp ở khắp nơi. Giờ đi đâu ông cũng gặp người quen, đến vùng đất nào cũng có bạn. Đấy cũng là một niềm vui không phải ai cũng có được.

Tìm được những người hiểu mình

Sáng nào ông cũng lên thư viện. Không chỉ đọc mà còn để được gặp gỡ với những người có cùng sở thích, được trao đổi, thảo luận về những gì đã đọc khiến mình vui hơn, hiểu sâu hơn.

Người ta cũng có thể lên mạng đọc, rồi viết bình luận…, nhưng nhiều khi những điều người ta viết ra chưa chắc đã là suy nghĩ thật, có khi chỉ là một cái gì thoáng qua thôi, khác hẳn với trao đổi trực tiếp. Thế nên với ông, đến thư viện đọc sách đã thành một thói quen, một công việc hàng ngày không thể thiếu được.

Ông bảo những người yêu văn hóa thường nghèo nhưng sướng một cái là họ hiểu nhau vì đều là những người sống chậm và có một chiều sâu văn hóa. Tìm được những người hiểu được nhau như thế là quý lắm.

Ông may mắn có được nhiều người hiểu và đồng cảm với mình. Đầu tiên phải kể đến người vợ suốt đời tần tảo, hy sinh tất cả cho chồng cho con, không một lời kêu ca dù chồng suốt đời chỉ đam mê sách vở mà chẳng giỏi kiếm tiền.

Thứ nữa là những người bạn, bạn từ chiến trường, bạn học, đồng nghiệp, bạn cũ bạn mới, bạn văn chương…

Đối với ông, bạn từ chiến trường đã gọi là phải có mặt, không bao giờ được từ chối vì đó là những người đã sống chết với nhau. Những người bạn chiến trường của ông hiện có khoảng 30 người vẫn thường xuyên liên lạc. Tuần nào cũng gặp gỡ nhau vào chiều thứ 6. Thỉnh thoảng lại cùng nhau đi du lịch bằng xe tự lái, đi khắp Đông Bắc, Tây Bắc, Việt Bắc, hết vào Nam ra Bắc… Năm 2012 còn đi Lào thăm lại chiến trường xưa, họ đã tự chụp ảnh, viết bài và làm một cuốn sách về hành trình của mình.

Đúng như ông Khánh đã chia sẻ, trên đời này không có gì quý bằng tình nghĩa. Và ông đã có được thứ quý giá đó.

Tuệ Minh

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top