Người nhện đu sơn

Những khu nhà cao tầng của thành phố đã được xây dựng mười năm, mười lăm năm và bụi cát nắng gió đã khiến các bức tường cao vút bạc màu xơ xác. Người ta tính chuyện sơn lại các tòa nhà cao ốc và các chủ thầu vội vã nhắn tin cho những “người nhện” đu sơn dám đánh cược mạng sống của mình để làm mới các tòa nhà.

Nỗi sợ độ cao

“Trời không mưa thì chúng em làm đều. Em ở Quảng Trị tên Đới, 32 tuổi” – người công nhân sơn tường tuột từ khoảng không 100m xuống đất, người lấm lem sơn trắng nói với tôi, giọng anh khá điềm đạm nhưng không dấu được sự mệt mỏi thấm sâu.

Cẩn thận từng chi tiết. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.

Đới nói: “Em làm nghề treo dây sơn tường này lâu rồi, có quãng em nghỉ để đi làm việc khác, rồi quay lại làm. Nghề này sơ suất thì nguy hiểm quá. Tai nạn ư? Nếu có thì em đã chẳng còn đứng đây mà trả lời anh. Vì nghề này, nếu đã tai nạn thì cơ hội sống sót chỉ là con số 0”. Trong cuộc đời này, sai lầm có thể giúp người ta trưởng thành, rút thêm kinh nghiệm, “thất bại là mẹ thành công” – có câu như vậy, riêng nghề sơn tường thì sau thất bại sẽ chẳng còn thành công nào cả. Đới nói: “Em nghe bảo có người lau kính, đang trên cao thì đứt dây, thế là mọi chuyện chấm dứt, không còn gì để nói nữa. Chẳng có sợi dây nào có thể rút được kinh nghiệm anh ạ”.

Leo mặt ngoài của cao ốc, Đới được trang bị 2 dây bảo hộ, “Nếu đứt một dây, vẫn còn 1 dây. Dây mới thì yên tâm, lâu ngày mưa nắng không biết thế nào. Chưa bị rớt, nếu rớt thì không còn đến giờ”. Một người quản lý nói với tôi: “Mỗi sợi dây bảo hộ này chịu được trọng lượng 1 tấn, trong khi người Việt Nam mình nhẹ lắm, nên rất an toàn”. Anh này còn nói thêm: “So với chục năm trước thì dây bảo hộ ngày nay to hơn, chắc hơn”.

Đới thì bảo tôi: “Kể cả sợi dây chắc tới mấy thì nỗi sợ độ cao trong mỗi con người ta vẫn luôn tồn tại. Một người đứng trên tầng cao nhìn xuống, dù đứng sau cửa kính, dù biết mình không bao giờ rơi, còn sợ, huống hồ gì người leo bên ngoài tòa nhà, nhìn xuống chân thấy mọi thứ đều nhỏ li ti, gió thì rất lớn và thổi suốt ngày”.

Có những bạn tuyên bố “Tôi không sợ độ cao” và rất hăm hở treo dây sơn tường, nhưng với chỉ là những tòa nhà chừng 30 tầng. Đến khi lên tới những tòa 50 tầng trở lên thì người ta ít nghe câu nói ấy nữa. Đới nói: “Chúng em đu sơn toàn 50 tầng,  nhiều đứa run quá, bị choáng váng, leo không được, đập cửa kính, kêu người trong căn hộ mở cửa vào, không làm được nữa”.

Lang bạt

Đôi khi người ta nghĩ nghề khó khăn nguy hiểm như nghề đu dây sơn tường sẽ cần tới những công nhân chuyên nghiệp, những công ty chuyên nghiệp và nhân công được đào tạo như chiến sĩ đặc công, song hoàn toàn ngược lại, họ chỉ là những người thợ nay đây mai đó và đều tự học lấy nghề để mưu sinh trên đỉnh trời. Đới nói với tôi: “Em có vợ và một đứa con, lo làm nuôi gia đình. Công ty này hết việc thì đi làm công ty khác, em không có hợp đồng và chẳng nơi nào ký hợp đồng với em.

Nụ cười trên cao.

Một anh bộ đội về hưu làm quản lý vật tư, nhận xét: “Công nhân anh nào vào cũng bảo cháu làm được, nhưng có khi không làm được. Chỉ riêng sơn 5 lốc nhà ở quận 7 này, chúng tôi đã sa thải 10 thợ sơn vì sơn không đúng kỹ thuật và chưa đảm bảo an toàn lao động.”

Theo người quản lý, hạng mục sơn tường các tòa nhà chung cư hiện có đấu thầu, giá cạnh tranh. Riêng tiền công cho mỗi thợ sơn từ 600- 650.000đ/ ngày, đắt nhất trong nghề sơn tường thời nay, ngày tết, lương có thể hơn 700.000đ/ngày. “Nhiều công ty không biết giá, bỏ thầu thấp quá, nên không thể hợp tác với nhau được. Chẳng đâu xa, như cái công ty mà chúng tôi đang hợp tác đây, phải mấy dự án rồi, tới dự án này chúng tôi mới hợp tác với họ được do mức kinh phí họ chi cho sơn tường hợp lý”.

Một chủ thầu nhỏ tên Bình, khi nhận được lời mời hợp tác, anh ta huy động những người quen, thợ cũ, thợ mới, thành một nhóm hơn chục người, chia ra người dũng cảm có tay nghề cao thì sơn ở mặt ngoài cao ốc, những người khác sơn ở hành lang, lan can. Bình nói: “Mỗi tuần công ty lấy số lượng rồi trả tiền, thế là tôi phát lương lại cho anh em. Công việc đu dây hay gián đoạn, vì ít công trình.  Chúng tôi chuyên sơn thôi, thế mà tìm được công nhân cũng không dễ, vì công việc không đều nên anh em tản mát cả”.

Buổi trưa, công nhân ăn cơm hộp, mỗi phần cơm thức ăn nhiều gấp 3-4 lần bình thường, loáng cái đã hết veo. Họ nằm nghỉ, ngồi nghỉ dưới gốc cây, hành lang của tòa cao ốc. Một người công nhân tóc hoa râm bảo: “Tôi gần 60 tuổi rồi những vẫn theo nghề sơn cao ốc này bác ạ, không thì chẳng có việc gì làm”.

“Cửa tử là cửa sinh”

Một người công nhân kỳ cựu nói với tôi rằng: “Chính cái nghề nguy hiểm, ít người dám làm nên lương cao, thu hút được những anh em trẻ xông xáo”. Người này còn bảo: “Biết nguy hiểm đấy, nhưng cử chúng sơn trong nhà, chúng không chịu, cứ đòi leo dây mặt ngoài, làm được lương cao hơn!”.

Bữa cơm trưa vội vàng.

Một cán bộ của công ty sơn nói: “Chúng tôi có mua bảo hiểm. Sơn 5 lốc nhà, cả thi công và phục vụ gồm 3 đội với 50 người, đều được mua bảo hiểm cả”. Anh này cũng bảo: “Làm quản lý không cẩn thận lỗ vốn! Người ta xuống một dây mà có anh mới xuống nửa dây, thì chẳng khác gì “hút máu” công ty. Mỗi ngày công 600.000 đồng chứ có ít đâu, nếu làm không tích cực, không hiệu quả, khối lượng không đạt, chúng tôi lỗ!”. Song người này cũng nhận xét: “Không phải ai cũng vô trách nhiệm, chỉ là số ít, còn lại làm việc nghiêm túc!”.

Lương công nhân phát theo tuần, mỗi tuần 3,3 triệu đồng. Các công nhân bảo nghề leo dây sơn tường không đơn giản. Đầu tiên phải đi giàn giáo sơn trước đã. Quen rồi mới chuyển qua treo dây. Không phải ai cũng treo dây được. Vì có anh nhẹ quá, leo dây trên tầng cao, dây cứ quay quay, không làm được, phải thay người khác. Người nào trụ được ngoài không gian, đều làm mười mấy năm rồi, đến khi quen, lại không thích đi sơn bằng giàn giáo nữa! Sáng sớm lại thích thả mình từ mấy trăm mét xuống đất, mỗi sợi dây như vậy dài 250m. Cứ vừa bám dây vừa sơn, người xuống tới đâu, cảnh đẹp tới đó.

Hồi xưa lau kính có người rớt ở cầu Rạch Đỉa, rớt thì không thể sống được nên chẳng ai biết vì sao anh ta lại rớt. “Có lẽ sợ dây bị cứa đứt vì công trình đang thi công, ai đó không biết nên bên trong nhà cứa đứt mất sợi dây”. “Có thể ai đó phá hoại công trình nên cố tình cắt đứt một phần sợi dây mà công nhân không biết”, “cũng có thể quá trình di chuyển dây bảo hộ, chúng đã vô tình bị cứa đứt mà công nhân không biết”… Những người thợ sơn tường nói như vậy. Tất cả chỉ là giả thiết thôi, vì những vụ tai nạn như vậy chẳng có ai bị bắt bị đi tù, chẳng có điều tra kết luận gì về nguyên nhân hay cách khắc phục, người công nhân chỉ có thể ngồi kháo chuyện với nhau như thế thôi. Sợi dây có sức chịu tải hàng tấn mà vẫn đứt?

Bên dưới vẻ đẹp

Những tòa cao ốc ở phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM đã được sơn xong mặt ngoài và các tòa nhà dường như còn đẹp hơn lúc mới xây cách đây chục năm, do thiết kế màu sơn hiện đại hơn và có lẽ chất lượng sơn cũng tốt hơn. Kinh phí sơn lại tòa nhà được Ban quản lý chung cư và tất cả các hộ cư dân biểu quyết thông qua, lấy quỹ chung của khu chung cư để trang trải.

Trong lúc những người dân ở chung cư cao cấp vui mừng chụp ảnh chia sẻ với nhau về những tòa cao ốc mới được sơn lại sau 10 năm, khiến cho người quen biết đi xa cả cây số có thể nhận ra sự khác biệt từ màu sơn và phối cảnh… thì những người công nhân bắt đầu thu dọn dụng cụ để đi các công trình khác. Công việc cuối cùng của họ là lau những vết sơn dính vào các cửa kính trước khi đi khỏi tòa nhà và không hẹn ngày nào trở lại, có thể là 10 năm nữa, khi tòa nhà tiếp tục được sơn.

Những người công nhân khá trầm tư nói với tôi: “Anh em chúng em tự chỉ bảo cho nhau, nghề này cũng ít được đào tạo lắm. Anh em mới được gom trước Tết vài tháng thôi. Người biết chỉ người chưa biết. Cứ mỗi tổ thì mười người sơn mặt ngoài, bốn người sơn lan can bên trong. Ai đu dây bên nắng mệt được nghỉ sớm, anh chị em sơn bên mát nên nghỉ muộn hơn. Công trình xong, mỗi người lại một ngả, không biết bao giờ gặp nhau”.

Dũng quê ở Kiên Giang, vẫn còn bám đu trên tường, nói với qua cửa sổ: “Leo trèo làm riết quen. Làm nghề này nuôi vợ con mới nổi anh ạ. Tiền thuê nhà trọ mất 1,8 triệu. Vợ em mới sanh đâu có đi làm được. Em nghe nói nghề sơn tường này rớt chết là chuyện thường chỉ cần tuột dây cũng chết rồi nói gì đứt dây”.

Khuôn mặt sạm nâu, nổi bật giữa trời xanh mây trắng, đu đưa ngoài cửa sổ cách mặt đất cả trăm mét, áo quần nhuộm sơn trắng, Dũng chào phóng viên để tiếp tục sơn các tầng phía dưới kia: “Vợ chưa sanh em còn sơn trong nhà, vợ sanh thì phải ra ngoài này làm lương cao mới đủ nuôi vợ con”. Mới nghe tiếng nói, loáng cái người đã tuột xuống tầng dưới, chỉ còn lại sợi dây lấm lem đu đưa giữa ngày đầy gió bên sông Sài Gòn lấp lánh ánh chiều và những tòa nhà mới được sơn lại nổi bật giữa những đám mây.

4/2018

Trần Nguyễn Anh (Theo Tiền phong)

Theo Đời sống
back to top