Người đặt nền móng Quân y Việt Nam

Kỳ 1: Nhà Quân y đầu tiên

Thắng lợi trở về, Hoàng Đôn Hòa đứng đầu trông việc chữa bệnh trong cung ở Thái y viện và được phong tước Lương dược hầu. Rồi ông xin về quê để chữa bệnh cứu dân, ngăn chặn bệnh dịch và được truy phong sau khi mất là Lương dược linh thông cư sĩ, tức cư sĩ rất giỏi về cây thuốc.

Làng Đa Sỹ quê mùa năm xưa được sử sách ghi lại và công nhận là một vùng đất lành “địa linh sinh nhân kiệt”. Ngoài 11 tiến sĩ, rồi trạng nguyên lưỡng quốc trải dài trong các triều đại phong kiến, thì Đa Sỹ còn như một trung tâm của Đạo Lão mà Lâm Dương Quán hiện còn là minh chứng cho một thời kỳ huy hoàng ấy.

Người đặt nền móng Quân y Việt Nam ảnh 1
Tượng danh y Hoàng Đôn Hòa tại Đa Sĩ.

Cũng từ quan niệm dưỡng sinh, luyện linh đơn tìm thuốc trường sinh bất lão mà hình thành nơi làng Đa Sỹ hẳn một thứ nghề nặng nề trọng trách và cao quý: Nghề chữa bệnh. Cho nên cái tên cũ của làng là Huyền Khê nghĩa là Bến Thuốc mà chứng tích, dù nay đã mất nhưng vẫn không phai đi trong tiềm thức người bản xứ.

Có lẽ ở nước Nam ta, cùng với Tuệ Tĩnh thiền sư, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thì Lương dược hầu Hoàng Đôn Hòa là ba ngôi sao sáng, ba người thầy thuốc vĩ đại và đáng trọng đã dùng tâm tài của mình mà cứu chữa nhân sinh. Riêng Hoàng Đôn Hòa, ngoài những công lao đã được các triều sắc phong tán tụng thì ông còn được coi là người đặt nền móng đầu tiên cho quân y nước nhà.

Phục vụ quân đội

GS.TSKH.Thiếu tướng Lê Thế Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quân y trong tham luận “Đại danh y Hoàng Đôn Hòa” tròn 10 năm về trước đã khẳng định: Hoàng Đôn Hòa là nhà điều trị học, dịch tễ học, dưỡng sinh học và thú y học, một nhà quân y của triều Lê Trung Hưng.

Người đặt nền móng Quân y Việt Nam ảnh 2
GS.TSKH.Thiếu tướng Lê Thế Trung khẳng định
danh y Hoàng Đôn Hòa là nhà Quân y đầu tiên của Việt Nam.

Theo tư liệu mà Thiếu tướng Lê Thế Trung có được, thì danh y Hoàng Đôn Hòa sinh năm 1489 và mất năm 1583. Ông sinh trưởng ở thời kỳ nhà Mạc chiếm ngôi vua Lê, đất nước rơi vào nội chiến phân tranh kéo dài nên kinh tế sút kém, dịch bệnh hoành hành.

“Dưới thời vua Lê Trang Tông bệnh dịch lan rộng khắp mọi nơi mà không có thuốc chữa, danh y Hoàng Đôn Hòa đã nghiên cứu thuốc chữa dịch, phát thuốc cho dân cứu được nhiều người và được nhân dân địa phương coi là vị phúc tinh. Đến đời Lê Thế Tông, với tài năng tâm huyết Hoàng Đôn Hòa được cử làm Điều hộ lục quân phục vụ trong quân đội”, Thiếu tướng Lê Thế Trung cho biết.

Cũng theo ông Trung: Tại khu vực chiến sự, danh y Hoàng Đôn Hòa đã dùng các loại thuốc được chế sẵn như thuốc “Tam hoàng hoàn” và cho hái cây thuốc xung quanh để kê đơn chữa cho binh lính quân đội và dân địa phương khỏi dịch thổ tả cùng sốt rét đang hoành hành.

Sau khi phục vụ thành công trong chiến sự, danh y Hoàng Đôn Hòa được thăng chức “Thị nội Thái y viện Thủ phiên” đứng đầu trông coi việc chữa bệnh trong cung. Tuy nhiên, sau đó Đôn Hòa đã xin cáo lão hồi hương, sống ẩn dật tại quê nhà để nghiên cứu và chữa bệnh cho người dân.

300 vị thuốc quý

Tiến sĩ Hoàng Thế Xương, hậu duệ dòng họ Hoàng ở Đa Sỹ cho biết: Dựa vào các tích sử cũng như những câu chuyện kể thì từ khi danh y Hoàng Đôn Hòa cáo lão hồi hương, ngoài giờ chữa bệnh, hai vợ chồng lại lên rừng xuống động đi tìm kiếm dược liệu làm thuốc hoàn tán tại chỗ để cứu người.

Người đặt nền móng Quân y Việt Nam ảnh 3
Đền thờ danh y Hoàng Đôn Hòa tại Đa Sĩ.

Tại đền thờ ông ở làng Đa Sĩ bây giờ còn ghi những phương thuốc “Tam hoàng hoàn” chữa sốt rét lam chướng và dịch tả rất công hiệu đã giúp quân đội vượt qua bệnh tật và được khắc tặng đôi câu đối: “Thần Tung nhạc giáng sinh, giúp nước ân cần lưu phương châu ngọc/Phật Vương xuất thế, cứu người công đức khắp cõi bao la”.

Theo ông Xương, trong cuốn sách Hoạt nhân toát yếu (Phép cốt yếu cứu người) gồm phần chính là 208 phương thuốc đơn giản và kinh nghiệm ứng trị các loại bệnh về nội, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa và chữa bệnh cho cả gia súc: Voi, ngựa để vận tải quân lương, và trâu bò… đã chỉ dẫn một số phép dưỡng sinh hữu hiệu.

“Sách không nói đến nguyên nhân bệnh, nhưng đi sâu phân tích dược lý và tác dụng của các phương thuốc mang tính chất biện chứng. Hậu duệ sau này là Trịnh Đôn Phác đi sứ có mang phương thuốc này và chữa khỏi cho vua nhà Thanh. Vua nhà Thanh đã gửi sang tặng đền thờ Hoàng Đôn Hoà một cái choé bằng sứ, một cây đèn nến, một cái áo thờ bằng gấm tím và đôi câu đối”, ông Xương cho hay.

Còn theo Thiếu tướng Lê Thế Trung, xét về dược học thì danh y Hoàng Đôn Hoà đã nêu trên 300 vị, trong đó 265 vị là thuốc Nam để bổ sung công dụng như lá Chỉ thiên, vỏ Dưa chuột chữa phạm phòng; Huyết dụ chữa bạch đới, lậu, đái giắt; Gỗ vang chữa ỉa chảy; lá Thanh Táo, cỏ Răng cưa đắp vết thương chảy máu.

Người đặt nền móng Quân y Việt Nam ảnh 4
Nhiều bài thuốc quý được Hoàng Đôn Hòa
nghiên cứu và biên chép trong cuốn “Hoạt nhân toạt yếu”.

Về điều trị vết thương, Hoàng Đôn Hòa đã trọng dụng Đại hoàng và vôi, trầu chữa voi, ngựa, trâu bò bị dịch truyền nhiễm như mắt đỏ, họng đau không nuốt được. Có thể dùng lá cốt khí tím, cỏ chỉ thiên, sắn giây, gừng già cho uống. Dùng bột Bồ kết thổi vào lỗ mũi trâu bò bị nghẹt thở sẽ khỏi tức thì.

“Dùng Củ nâu, lá Đậu ván, lá Duối chữa trâu bò đau bụng. Kể một vài vị như thế để thấy tính dân tộc đại chúng của trước tác. Ngoài ra, cụ Hoàng Đôn Hoà còn đưa thuyết Thanh tâm triết học kèm phương pháp Tĩnh công hô hấp được tóm lược trong phép dưỡng bệnh: Bẩm sinh cá tính éo le/Rượu ngon gái đẹp bét nhè làm sao/Tiếc thay bệnh phát lúc nào/Ngàn vàng dốc hết, thuốc vào như không”, ông Trung cho hay.

Nhờ cách dùng giản tiện và tác dụng độc đáo, tác phẩm “Hoạt nhân toát yếu” mà danh y Hoàng Đôn Hòa để lại đã trở thành những phương thuốc hay của dân tộc, là một cống hiến to lớn cho nền y dược lâu đời của nước nhà. Thời gian và phương pháp trị bệnh khi Hoàng Đôn Hòa phục vụ trong quân đội đã tạo nền móng để nền quân y nước nhà phát triển trong những giai đoạn sau.

“Công lao của Đại danh y Hoàng Đôn Hòa trong việc tìm kiếm các bài thuốc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và của quân đội trong chiến sự là tấm gương sáng cho tất cả các cán bộ y tế Việt Nam, trong đó có các cán bộ Quân y chúng tôi. Lương dược hầu Hoàng Đôn Hòa với tấm lòng phục vụ đầy y đức nên rất xứng đáng được tôn vinh”, GS.TSKH.Thiếu tướng Lê Thế Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quân y.

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top