Người cường giáp không nên ăn nhiều thực phẩm chứa iot

(khoahocdoisong.vn) - Chứng cường giáp là một nhóm bệnh dẫn đến các triệu chứng tim mạch và chuyển hóa gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, người bị cường giáp cần biết cách ăn uống và bồi bổ.

Ăn sai biến chứng nặng

Chứng cường giáp là một nhóm bệnh gây ra bởi tình trạng tăng tiết hormon tuyến giáp (triiodothyronine và thyroxin) dẫn đến các triệu chứng tim mạch, tăng chuyển hóa quá mức với các biểu hiện: vùng cổ nơi tuyến giáp phình to, tim đập nhanh, gầy sút cân, sợ nóng, khó ngủ, tiêu chảy, run tay, sụt cân, ra nhiều mồ hôi, yếu mệt, dễ cáu giận, lo lắng... Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm bao gồm:

Biến chứng tim mạch: Tình trạng nhịp tim nhanh thường gặp ở bệnh nhân cường giáp, các rối loạn nhịp nghiêm trọng hơn như rung nhĩ có thể gặp phải. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tình trạng suy tim ở người bệnh cường giáp.

Cơn bão giáp: Khi tình trạng hormon tăng quá cao, các triệu chứng đột ngột trở nên nặng nề, lúc này, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa nếu không kịp thời được chẩn đoán và điều trị.

Lồi mắt ác tính: Trong cường giáp do bệnh basedow, người bệnh có thể bị lồi mắt, thường xuyên chảy nước mắt và nhạy cảm hơn đối với ánh sáng, hay kèm theo viêm kết mạc, tổn thương giác mạc...

Người bị chứng cường giáp ngoài dùng thuốc điều trị, trong ăn uống cần chú ý: 

Bồi bổ nên ăn nhiều những thức ăn có hiệu quả trị liệu như lạc, hạt cải trắng, cà, hạt cải... chúng có tác dụng ức chế sự hình thành hormon tuyến giáp.

Do bị chứng cường giáp sản nhiệt quá nhiều, lúc bình thường nên ăn nhiều thức ăn thanh bổ như lê tươi, ngó sen sống, rau cần, bách hợp, ba ba, trứng vịt, vịt con, cá quả, vịt giời...

Không nên ăn những thức ăn có nhiều iot trong thời gian dài như tảo biển, rau câu, bởi vì khi ăn những thức ăn này sau 2 – 5 tuần, các triệu chứng của cường tuyến cận giáp tuy có chuyển biến tốt nhưng nếu ăn lâu ngày thì ngược lại sẽ xuất hiện hiện tượng “hư thoát”, làm cho các triệu chứng nặng rõ hơn; các đồ uống có tính kích thích mạnh như: chè, cà phê, rượu... đều tuyệt đối không nên uống.

Chế món ăn bồi bổ

Canh ba ba hàu: Hàu 100g, thịt ba ba 50g, bá tử nhân, rau câu, táo chua, bạch thược mỗi loại 25g, đại táo 10 quả (bỏ hạt). Các vị trên sắc cùng để uống. Mỗi ngày 2 lần, uống ấm nóng.

Canh củ cải, rau câu: Củ cải 250g, rau câu 50g, trần bì 10g, sò sống 30g, vỏ hến biển 10g. Cho rau câu, trần bì, sò sống, vỏ hến biển vào nấu cùng, sau khi nước sôi 40 phút, lọc lấy nước thuốc. Vớt rau câu ra thái nhỏ, lấy củ cải cắt khúc, thả cùng với trong nước thuốc đã sắc xong, cho thêm ít nước gà hoặc nước thịt, muối, mì chính. Bắc lên bếp đun đến khi củ cải chín là được. Ăn rau, uống canh.

Đồ uống 5 loại nước: Lê 1 quả, ngó sen tươi 1 mẩu, mía 1 đoạn, mã thầy 15 củ, củ cải 1 củ. Bỏ vỏ mã thầy, củ cải, mía cho vào cùng với 2 nguyên liệu kia nghiền nhỏ, ép lấy nước, uống lạnh là tốt nhất. Nếu gặp trời nóng nên chọn dùng dưa hấu, lá sen tươi, rễ cỏ tranh (mao căn tươi), kim ngân hoa tươi mỗi loại 15g, sắc cùng uống, bỏ bã, để vào chỗ mát, cho thêm ít đường trắng. Không hạn chế thời gian và số lần.

Cao nhân ích tâm: Cùi nhãn 150g, đương quy 100g, viễn chí 50g, thiên đông 50g, ngũ vị tử 30g, đại táo 20 quả, hắc tang thầm (dâu đen) 30g, hắc chi ma (vừng đen) 20g. Trừ vừng ra còn thì cho hết vào nồi đất sắc, cứ nửa tiếng lại lọc lấy nước thuốc 1 lần, cho thêm nước đun sắc lại, làm như vậy 3 lần, hòa nước thuốc 3 lần lẫn vào nhau, dùng lửa nhỏ sắc, cô đặc thành dạng cao quánh cho thêm mật ong, thêm vừng đen, đun sôi lại, đợi cho nguội cho vào trong hộp. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa, uống với nước nóng.

Lương y Hoài Vũ (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất hiện cục viêm xơ, làm di động của gân gấp qua vùng ngón tay bị cản trở. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra.
back to top