Ngừa biến chứng suy thận do tăng huyết áp

(khoahocdoisong.vn) - Một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh nhân tăng huyết áp là suy thận. Suy thận càng nặng, tỉ lệ tăng huyết áp càng cao. Bởi vậy, để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm này, bệnh nhân cần phải biết cách kiểm soát tốt huyết áp

Tăng huyết áp gặp trong 80% các trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối. Tăng huyết áp là nguyên nhân chính của các bệnh lý tim mạch và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn hoặc suy thận mạn. Tăng huyết áp dù được điều trị nhưng chưa đạt huyết áp mục tiêu vẫn có nguy cơ bị suy thận. Bởi vậy, để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm này, bệnh nhân cần kiểm soát tốt huyết áp.

Tăng huyết áp kéo dài sẽ làm tổn thương và phá hủy các mạch máu trong cơ thể, làm giảm lượng máu cung cấp đến thận và các cơ quan khác. Huyết áp tăng cao còn gây tổn thương cầu thận, khiến thận không thể loại bỏ những chất cặn bã độc hại cũng như nước dư thừa ra ngoài dẫn đến suy thận mạn.

Trong cơ thể, thận có vai trò giữ cho huyết áp được ổn định. Khi thận bị tổn thương, khả năng điều hòa huyết áp giảm, làm cho huyết áp bị tăng cao. Với bệnh nhân suy thận, huyết áp cao lại làm cho bệnh thận trầm trọng hơn. Có thể thấy, tăng huyết áp và suy thận là hai biến chứng có mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau. Khi huyết áp tăng dẫn đến biến chứng suy thận và ngược lại, bởi vậy, bệnh nhân cần có biện pháp thích hợp để phòng tránh biến chứng nguy hiểm này.

Biểu hiện của biến chứng suy thận ở bệnh nhân tăng huyết áp: Bệnh suy thận thường xuất hiện các triệu chứng như: Phù, mệt mỏi, xanh xao, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, tiểu nhiều lần… đó là khi suy thận ở giai đoạn nặng. Tổn thương thận do tăng huyết áp biểu hiện dưới 3 dạng: Albumin niệu vi thể, protein niệu và suy thận. Vì vậy, người bệnh cao huyết áp cần tiến hành xét nghiệm để đánh giá được mức độ tổn thương thận.

Ngăn ngừa biến chứng suy thận do tăng huyết áp: Khi đã được chẩn đoán là tăng huyết áp, người bệnh cần chủ động theo dõi bằng cách đo huyết áp tại nhà và ghi vào sổ, đồng thời nên đi khám sức khỏe định kì để kiểm tra được chức năng thận cũng như các bộ phận khác. Bệnh nhân cao huyết áp rất dễ bị suy thận, vì vậy ngay khi có dấu hiệu tăng huyết áp, người bệnh cần đến bệnh viện tiến hành làm các xét nghiệm để đánh giá chức năng thận và tổn thương của các cơ quan khác nhằm đưa ra biện pháp điều trị (nhất là lựa chọn thuốc và tư vấn điều trị khác) nhằm bảo vệ thận và các cơ quan liên quan.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top