Ngôi đình trong phố cổ

Khu phố cổ Hà Nội luôn cuốn hút bởi một nền văn hóa rất riêng: Văn hóa phố cổ. Từ ở, lối sống, cách sinh hoạt, cách làm ăn, buôn bán đến cả những quan niệm sống đều hết sức độc đáo. Và ngay cả ngôi đình trong phố cổ cũng có cái gì đó rất đặc biệt.

 Cụ thủ từ Nguyễn Trọng Tính đã giữ gìn cho nơi đây thành nơi thờ tự tôn nghiêm.

Điểm sáng về khôi phục di tích

Hà Nội 36 phố phường, là 36 phố nghề và cũng gần bằng từng đấy đình thờ tổ nghề. Như đình Hà Vĩ ở phố Hàng Hòm thờ tổ nghề sơn, đình Lò Rèn thờ tổ nghề rèn (phố Lò Rèn), đình Kim Ngân thờ tổ nghề vàng bạc (phố Hàng Bạc),  đình Tú Thị thờ tổ nghề thêu (Yên Thái), đình Hàng Quạt thờ tổ nghề quạt…

Thờ tổ nghề là một truyền thống tốt đẹp của người Việt, nhớ ơn người đã sáng lập, truyền dạy và phát triển một nghề nào đó cho dân trong vùng. Phố cổ Hà Nội, chốn làm ăn buôn bán, nơi mỗi tấc đất đáng giá nhiều tấc vàng, nhưng với lòng uống nước nhớ nguồn, người dân vẫn dành đất lập đình thờ những vị tổ nghề.

Đình trong phố, lại là trong phố cổ thường là nhỏ gọn, không có không gian hồ nước và sân đình như ở các vùng quê. Vốn dĩ đã nhỏ hẹp, tối giản đến mức không thể tối giản hơn được nữa, nhưng dưới sức ép của công cuộc đô thị hóa, nhiều ngôi đình còn bị lấn chiếm, che khuất, khó khôi phục lại nguyên trạng.

Việc khôi phục, trùng tu đình Tú Thị trong phố Yên Thái (Hà Nội), là một điểm sáng về bảo tồn di tích. Đặc biệt là có sự kết hợp giữa quyết tâm của chính quyền với tâm huyết của những người trong ban quản lý di tích cũng như sự hưởng ứng của người dân.

Đình Tú Thị ở số 2 phố Yên Thái phường Hàng Gai (quận Hoàn kiếm, Hà Nội) trước kia thuộc chợ Tú Đình (Tú Đình Thị, còn gọi là chợ Hàng thêu), tại đây thờ vọng Tổ nghề thêu (thờ chính tại làng Quất Động, Thường Tín, Hà Nội).

Theo những ghi chép vào năm 1938, đình được xây dựng trước năm 1891, là lần trùng tu thứ nhất. Ngày 23/11/2015 đình được trùng tu quy mô lớn và đón nhận bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Tổ nghề thêu là Lê Công Hành, chính tên là Trần Quốc Khái, sinh ngày 18 tháng giêng năm Bính Ngọ (1606), người làng Quất Động, Thường Tín, Hà Nội, mất ngày 12 tháng 6. Đỗ Tiến sỹ khoa Đinh Sửu 1637 đời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Công bộ Thượng thư, hàm Kim tử vinh lộc đại phu, trật nhất phẩm văn ban, Thái bảo Lương quận công.

Hai cụ già thầm lặng bảo tồn di tích

Cụ thủ từ Nguyễn Trọng Tính (81 tuổi) cho biết, trước đây đình đâu có được khang trang như thế này. Phía trước thì người ta bán hàng, để bàn ghế, đồ đạc… không có chỗ mà vào, chỉ còn mấy ban thờ trong hậu cung.

Đến năm 2012, thành phố có chủ trương khôi phục lại, bồi thường để giải tỏa dân, rồi cho xây lại ngôi đình trên diện tích khoảng 100m2.

Từ đó đến nay, được giao làm Trưởng tiểu ban quản lý di tích đình Tú Thị, cụ Tính đã cùng những người có tâm công đức dần sắm sửa cho ngôi đình ngày một khang trang.

Chỉ vào đôi lộc bình cao đặt hai bên ban thờ, cụ kể: Phải sang đặt tận bên Bát Tràng hết 16 triệu mà mãi 6 tháng mới làm xong. Mua của Trung Quốc thì rẻ hơn, nhưng không đúng ý mình, thờ Thánh phải có tứ quý, có long ly quy phượng.

Hay như cái sập gỗ này cũng vậy, trước đây có một cái sập to, cao, chiếm hết cả lối đi, thế là cụ phải đặt cái sập này nhỏ hơn để khỏi vướng, lại thấp hơn để mọi người đến lễ cho tiện. Mình trông coi ở đây, thấy cái gì thiếu thì sắm, cái gì chưa vừa mắt thì thay. Tiền công đức không đủ thì gia đình tự bỏ ra, các con cũng rất nhiệt tình đóng góp.

Cứ lặng lẽ và tỉ mẩn như thế, hơn hai năm qua, cụ Tính đã giữ gìn cho nơi đây thành nơi thờ tự tôn nghiêm. Nhà cách đấy có mấy bước chân, sáng nào cụ cũng sang đình mở cửa, quét dọn để đón khách. Rồi những khi trời mưa, cũng lại phải sang xem có chỗ nào bị dột không.

Khách đến đây chủ yếu là người nước ngoài, tham quan phố cổ thì họ muốn tìm hiểu về đình, chùa ở đây. Còn những người dân sống quanh đây thì ngày rằm, mùng một họ vẫn đến.

Trong việc bảo tồn đình Tú Thị còn có sự đóng góp của một người hết sức thầm lặng, đó là ông Trần Văn Đạt, người đã đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết để dịch các văn bia, hoành phi, câu đối tại nhiều đình chùa trong khu vực Hà Nội. Riêng với đình Tú Thị, ông đã dịch và chú giải gần xong các văn bản tại đây, chỉ còn tấm bia công đức ông đang dịch dở.

Làm không phải để tự hào

Theo ông Đạt, đình Tú Thị có may mắn là giữ được khá đầy đủ hồ sơ. Năm 1938, dưới thời Pháp thuộc, Chính phủ Pháp đã yêu cầu các làng xã phải kê khai và báo cáo về các đình chùa, di tích để lưu trữ. Sau này họ đã bàn giao lại cho ta nên vẫn còn bản viết tay dài 3 trang của cụ Nguyễn Văn Quang, thủ từ đình khi đó. Trong đó ghi lại toàn bộ các thần tích, thần sắc về ngôi đình.

Đình hiện có bức hoành phi ở cửa. Gian  chính có hai hoành phi từ năm 1892, 2 câu đối từ làng Quất Động, một đôi câu đối thêu, hai cuốn thư từ năm 1887, một lư hương đất nung, hai bát hương sứ, bộ mũ áo, hia trùm trên ngai. Một biển có thêu hai mặt mới được làm lại thành hai biển riêng, một là Lưỡng quốc công hầu, mặt kia là Bao phong tiến sĩ.

Cụ Tính rất vui khi kể về việc cụ và ông Đạt đã tỉ mẩn mua nhung đen về cắt chữ khôi phục lại đôi câu đối thêu hiện đang treo hai bên ban thờ. Nhìn ông Đạt cặm cụi lần theo từng chữ viết trên tấm bia đá, hay nghe cụ Tính hào hứng kể về những đồ vật đã được các cụ giữ gìn và khôi phục, mới thấy họ tâm huyết với công việc này đến thế nào.

Tôi cứ nghĩ, làm được như thế chắc cụ phải rất tự hào, nhưng cụ Tính rất mộc mạc chia sẻ: Làm xong là xong, thấy mọi việc đâu vào đấy mới yên tâm, chứ không phải làm để tự hào, được mọi người biết đến hay ghi công. Bởi mình đã được hưởng lộc rất hậu rồi: đó là con cái trưởng thành, tuổi già sống vui, sống khỏe, có việc để làm. Mai này có người khác đến thay thì mình lại bàn giao.

Nhìn ngôi đình khang trang, những hàng cột mới làm vững chãi, ban thờ đầy đủ… khiến ai cũng thấy yên tâm về một sự trường tồn cùng thời gian. Nhưng nếu không có sự vào cuộc của chính quyền, nếu không có những con người tâm huyết như hai cụ già tôi đã gặp ở đình, cùng biết bao sự công đức thầm lặng của những người có tâm khác, thì không thể có những gì ta thấy hôm nay.

Năm 1646, Lê Công Hành được cử đi sứ sang Trung Quốc, không biết vì ông đã đối đáp điều gì ngang ngược hay vì muốn thử trí thông minh của sứ thần Việt Nam, người ta nhốt ông lên trên một cái lầu cao và rút tất cả thang. Ở trên lầu, không thấy ai mang cơm nước đến, ông đã bẻ tay, chân Phật (được làm bằng bột nếp) để ăn, lấy nước trong vò uống, ròng rã cả tháng trời. Thấy chiếc nghi môn được thêu rất khéo, ông cẩn thận gỡ từng sợi ra xem xét tỉ mỉ mọi đường thêu. Đi sứ trở về Lê Công Hành đã góp phần phát triển nghề thêu ở Quất Động quê ông.

Nhật Minh

Theo Đời sống
back to top