Dù vô cùng vất vả nhưng nghề đào sá sùng vẫn chỉ dành riêng cho phụ nữ.
“Vàng ròng” lẫn trong cát
Cách TP. Hạ Long chừng 70km về phía Đông Bắc, huyện đảo Vân Đồn nằm nép mình bên bờ vịnh Bái Tử Long, nơi đây là vùng đất hội tụ những tinh hoa của biển, nơi nổi tiếng với một sản vật được ví như “thần dược” hay “vàng ròng”, đó chính là sá sùng hay còn gọi là sa trùng (trùng trong cát).
Theo quan niệm của đông y, sá sùng có vị ngọt, tính mát, chỉ trị chứng tâm hàn, bổ dương khí, sinh tân dịch. “Thần dược” này ở dạng khô rất tốt cho sức khỏe. Mùi vị thơm ngon, chứa nhiều giá trị dinh dưỡng và được ví như Viagra tự nhiên.
Về huyện đảo Vân Đồn vào một buổi sáng đầu hè, gặp lúc từng đoàn người kéo nhau ra các bãi bồi để bắt đầu một ngày mới với công việc “bán mặt cho… cát”.
Cứ vào độ tháng 5-8 dương lịch, là mùa sinh sản mạnh nhất của sá sùng, cũng là lúc đạt được kích thước lớn và giàu chất dinh dưỡng nhất. Tại Vân Đồn, hiện có hơn 2.000 bãi bồi lớn nhỏ, là nơi tập trung sinh sống của loài và cũng là nguồn lợi thủy sản đem lại nguồn thu nhập chính cho những ngư dân vùng biển nơi đây.
Sá sùng là một loại hải sản với các tên gọi phổ biến như sa sùng, sâu đất, đồn đột, chặt khoai hay địa sâm. Giá trị sử dụng của nó được ví như một loại “thần dược” dành cho người ốm. Chỉ cần 1 bát canh tươi nấu cùng lá lốt, người ốm sẽ ngồi dậy đi lại bình thường, còn người bình thường sẽ thấy khoan khoái và tràn đầy sinh lực. Đặc biệt, nó được người dân nơi đây “tôn sùng” như một loại Viagra tự nhiên.
Từ xa xưa, ông cha đã dùng sá sùng như một loại mì chính tự nhiên. Sá sùng dùng để nêm nếm các món ăn và nhất là khi nấu nước dùng. Một nồi nước dùng to đến mấy, ngoài xương ống, thịt thăn thì không thể thiếu 1 nhúm sá sùng khô để cho nước dùng có vị thanh ngọt đặc trưng và mùi thơm tự nhiên hiếm có.
Sá sùng là loại thân mềm chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, xuống tạo ra những doi cát. Sá sùng có thân tròn và dài từ 12-22cm, cá biệt có những cá thể dài tới 35cm, rộng từ 0,8-1,3cm, có màu hồng sáng, các cơ trên thân thắt lại đan chéo với cơ vòng trở thành hoa văn hình vuông. Thịt sá sùng có vị ngọt, chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe con người, vì thế từ xa xưa, sá sùng đã được xếp vào hàng những loại thực phẩm và thuốc có tác dụng bổ dưỡng cao cấp dùng để tiến vua.
Mỗi kg sá sùng tươi được bán từ 200-300 nghìn tại bãi.
Đi một vòng quanh bãi bồi trước cửa trước biển Vân Đồn, hình ảnh các chị, các mẹ cặm cụi xúc từng đống cát, cần mẩn nhặt từng con địa sâm cho vào chậu mới hiểu hết sự cực nhọc của nghề săn “thần dược” này. “Nhìn bình thường trên lớp cát biển thì khó ai có thể phát hiện được hang của chúng. Nhưng, nếu tinh ý sẽ thấy những đường gân loằng ngoằng do loài này để lại lúc chúng rúc xuống lớp cát biển và khi đó phải nhanh tay dùng mai cắm xuống cát để hất nó lên” – Chị Vũ Thị Hoa, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn chia sẻ.
Không phải ai cũng có thể đào được “thần dược” này. Nghề đào “thần dược” đòi hỏi sự tỉ mẩn và có một sức khỏe dẻo dai cùng đức tính cẩn thận và nhẹ nhàng. Cũng chính vì vậy, nghề này ở Vân Đồn nghiễm nhiên trở thành nghề của phụ nữ. Ngày ngày họ vẫn “bán mặt cho…cát, bán lưng cho trời”. Vì sá sùng có giá trị kinh tế rất cao nên ngư dân xem nghề đào sá sùng là một nghề truyền thống.
“Tôi cũng chẳng nhớ chính xác đã theo cái nghề này được bao lâu nữa, chỉ nhớ từ nhỏ đã theo mẹ đi đào sá sùng bán để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Lớn lên chút thì đào bán kiếm tiền mua sách vở. Đến lúc lấy chồng thì gắn bó luôn với nghề này để kiếm tiền nuôi con. Nói nó đắt thế nhưng tính ra cũng chỉ đủ nuôi sống gia đình chứ không thể làm giàu được, vì sá sùng không thể nuôi mà càng ngày càng khan hiếm” – Chị Lê Thị Ngát, xã Hạ Long, Vân Đồn tâm sự.
Nhìn đôi mắt chị đã hằn nhiều nếp chân chim, da đen sạm vì cháy nắng, nhưng đôi tay vẫn thoăn thắt cắm từng nhát mai chắc nịch xuống cát, rồi nhanh chóng nghiêng mình nhặt những con sá sùng cho vào chậu. Cứ thế, chị mò mẫm hết các bãi bồi ven biển dưới cái nắng chói chang của ngày hè…
“Nhà tôi có 6 người thì cũng 6 người theo nghề biển. Chồng đi biển cùng bạn nghề có khi dăm bữa nửa tháng mới về một lần. Hai con trai lớn cũng theo chúng bạn đi làm dã cào, còn hai đứa nhỏ vẫn phụ mẹ ra đây đào sá sùng. Mỗi ngày cả 3 mẹ con cũng đào được 3-5kg, về bán lại cho thương lái cũng được từ 6 trăm đến 1 triệu” – Chị Đào Thị Quyết, xã Hạ Long, Vân Đồn tâm sự.
Giá mỗi cân sá sùng tươi mua tại bãi bồi khoảng 200-300 nghìn đồng, tùy theo loại nhỏ, to khác nhau. Nếu sá sùng được phơi, sấy khô mỗi cân có giá trị tương đương với một chỉ vàng(3-5 triệu tùy vào chất lượng). Để có được 1 cân sá sùng tươi đã khó, làm ra 1 cân sá sùng khô là cả một nghệ thuật. Ngư dân phải chọn những con sá sùng to và bóng mẩy, sau đó chần qua nước sôi rồi mới lộn ruột rửa nhiều lần bằng nước muối, đến khi nào sá sùng hết mùi tanh và có màu hồng sáng mới đem sấy bằng bếp than. Phải mất từ 10-12kg sá sùng tươi mới làm ra được 1kg sá sùng khô chất lượng.
Những phụ nữ Vân Đồn thân bịt kín, đầu đội nón, chân đi ủng, tay cầm cán mai, tay xách xô săn tìm “thần dược” sá sùng.
Nguy cơ “thần dược” tuyệt chủng
Hiện Quảng Ninh có một số địa phương như Vân Đồn, Đầm Hà, Móng Cái… có sá sùng sinh sống và phát triển. Là một loài hải sản không thể nuôi bằng biện pháp công nghiệp, sá sùng phát triển tự nhiên và chất lượng dinh dưỡng cũng tùy thuộc vào từng vùng miền. Vân Đồn vẫn là vùng biển phù hợp nhất cho sá sùng sinh trưởng và có chất lượng dinh dưỡng cao.
Theo quy luật tự nhiên, sá sùng vẫn sinh sôi nảy nở trên các bãi bồi. Nhưng từ khi phát hiện giá trị dinh dưỡng vô cùng quý giá của sá sùng, giá của nó cũng được đẩy lên cao, người săn tìm sá sùng ngày càng nhiều và kéo theo hàng chục phương thức khai thác khác nhau.
Chưa tính đến tác động của môi trường, ô nhiễm nguồn nước làm sá sùng dần bị thu hẹp không gian sống. Chính cách khai thác tràn lan đã khiến sá sùng đang rơi vào tình trạng tuyệt chủng. Ngày 5/11/2011, Bộ NN&PTNT đã ra Thông tư số 01/2011-BNNPTNT, đưa sá sùng vào loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn, thứ hạng nguy cấp (VU) cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
Nổi tiếng với giá trị dinh dưỡng, sá sùng ở Quảng Ninh được thu mua ngay tại các bãi bồi, các thương lái thu gom sau đó bán lại cho các mối nhà hàng, quán ăn. Đặc biệt sá sùng khô rất được thị trường Trung Quốc ưa chuộng và thu mua với giá cực cao. Chính điều này tạo nên tâm lý săn tìm bằng mọi giá.
Trước đây, ở vùng biển Minh Châu, Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh) ngư dân còn mang cả máy hút, sục ra các bãi bồi đào hút sá sùng và các loại nhuyễn thể khác dẫn đến nguy cơ tận diệt nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã kịp thời đấu tranh, ngăn chặn nên tình trạng này không còn nữa.
Từ xưa đến nay, việc người dân khai thác loài này ở các bãi bồi ven biển là hoàn toàn tự phát, chưa có bất kỳ sự quản lý nào của chính quyền địa phương và nghiễm nhiên, đây trở thành một nghề truyền thống của ngư dân và là nguồn thu nhập ổn định. Rất khó để quản lý việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản này.
Trước nguy cơ bị tuyệt diệt, Quảng Ninh ban hành lệnh cấm khai thác sá sùng trong 2 tháng dưới mọi hình thức (từ 1/6-31/7) vì 2 tháng này là mùa cao điểm sinh sản. Đồng thời, yêu cầu Sở NN&PTNT theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến cho người dân công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường tại các vùng biển nói chung và vùng có phân bố sá sùng tự nhiên trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Nghiêm cấm các biện pháp bơm hút cát, sử dụng bơm áp lực để bắt sá sùng. Xử nghiêm việc khai thác sá sùng bằng sử dụng âm thanh, ánh sáng, hóa chất dẫn dụ, sử dụng các loại ngư cụ không phải mai, thuổng để khai thác sá sùng…
Ngay sau khi có thông tư đưa sá sùng vào loài có nguy cơ bị tuyệt chủng lớn, UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần họp bàn, tìm cách tháo gỡ những khó khăn về quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản quý hiếm này. Nhiều ý kiến được đưa ra dựa trên điều kiện tự nhiên của địa phương và các biện pháp để bảo vệ loài này tại địa bàn.
Tỉnh đã chủ động giao các bãi bồi ven biển cho cộng đồng địa phương tự tổ chức quản lý và khai thác. Khi đó, người dân tự lập ra các tổ, các ban quản lý quy định thời điểm khai thác, số lượng khai thác cụ thể. Như vậy, người dân sẽ tạo ra được sản lượng khai thác cao, nhưng đồng thời cũng bảo vệ loài này tốt hơn.
Đan Như (tổng hợp)