Ngải cứu chữa dị ứng ngoài da

Ngâm thuốc nhằm nhờ sức nóng và sức thuốc mà làm tăng lưu thông huyết mạch, làm ra mồ hôi, theo đó mà tà khí cũng được bài trừ và tăng cường nuôi dưỡng da.

Hỏi: Tôi thường xuyên bị mẩn ngứa, dị ứng ngoài da có người mách tôi dùng ngải cứu ngâm xông để trị bệnh nhưng tôi không rõ bài thuốc ra sao. Mong KH&ĐS tư vấn.

Nguyễn Thị Hương (Hà Nội)

ngai-cuu.jpg
Ngải cứu chữa dị ứng ngoài da

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108: Theo y học cổ truyền, mẩn ngứa ngoài da chủ yếu do hai nguyên nhân:

1. Do phong hàn hoặc phong nhiệt xâm nhập vào cơ thể, lưu lại ở da (gọi là cơ phu thể biểu) gây nên.

2. Do huyết hư mà sinh phong hoá táo, phong táo gây nên chứng ngứa.

Trong y học cổ truyền, tình trạng bệnh lý này thuộc phạm vi các chứng bệnh như "huyết cam", "dương phong", "ẩn chẩn", "thuỷ giới"…với các biện pháp trị liệu hết sức phong phú như dùng thuốc (sắc uống, xông, xoa, bôi, đắp…) và không dùng thuốc (châm cứu, bấm huyệt…), trong đó có liệu pháp tắm ngâm(dược dục liệu pháp) bằng các vị thuốc, trong đó có ngải cứu hết sức độc đáo, như sau:

Bài 1: Phòng phong 20g, ngải cứu 20g, khổ sâm 30g, kinh giới 20g, bạch tiên bì 20g, sà sàng tử 20g, đương quy 20g. Tất cả sắc với 4000 ml nước trong 20 phút, sau đó bỏ bã lấy nước, chế thêm nước nguội sao cho nhiệt độ vào khoảng 50°C là vừa, ngâm rửa vùng bị bệnh trong 30 phút, mỗi ngày 2 lần.

Nếu ngứa toàn thân thì tăng liều lượng mỗi vị gấp đôi hoặc gấp ba, trẻ em thì giảm liều bằng nửa người lớn và để nguội hơn. Nếu ngứa nhiều có thể tăng lượng khổ sâm gấp đôi. Mỗi thang có thể dùng trong 2 ngày.

Bài 2: Ngải cứu 90g, hùng hoàng 6g, hoa tiêu 6g, phòng phong 30g. Tất cả sắc với 3000 ml nước trong 15 phút, sau đó xông hơi vùng bị bệnh trong vài phút rồi bỏ bã lấy nước ngâm rửa tổn thương, mỗi ngày 2 lần. Tuỳ theo diện tích bị bệnh mà gia giảm liều lượng các vị thuốc cho phù hợp, trẻ em dùng 1/2 hoặc 1/3 liều người lớn.

Dùng dược dục liệu pháp cũng nhằm đạt được hai mục đích : (1) Nhờ sức nóng và sức thuốc mà làm tăng lưu thông huyết mạch, làm ra mồ hôi, theo đó mà tà khí cũng được bài trừ ; (2) Tăng cường nuôi dưỡng da, làm cho da được nhu nhuận và kích thích các huyệt vị tại chỗ hoặc toàn thân qua đó đạt được mục đích dưỡng huyết, bổ âm và nhuận táo.

Theo Đời sống
back to top