1,5 triệu học sinh thiếu máy tính học trực tuyến
Theo tổng hợp của Bộ GD&ĐT, đến thời điểm ngày 12/9, cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến (một số tỉnh chỉ học trực tuyến một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến), với số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu em. Số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến cần hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu em.
Mới đây, trong công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ GD&ĐT nêu rõ, đối với địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và không tổ chức dạy học trực tiếp tại trường, triển khai tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trên truyền hình.
Cụ thể, đối với lớp 1, lớp 2 ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình. Đối với lớp 3 đến lớp 12 tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ, ưu tiên cho các lớp cuối cấp.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến là lựa chọn bất khả kháng và ngành giáo dục cũng đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ máy tính cho học sinh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phương thức dạy học qua truyền hình có nhiều ưu điểm nổi trội hơn dạy học trực tuyến đối với bậc học phổ thông.
Nhiều ưu điểm nổi trội hơn
Trao đổi với phóng viên, TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết, dạy học qua truyền hình và dạy học trực tuyến (dạy học qua internet) có các đặc điểm và những điểm mạnh, yếu khác nhau.
Tuy nhiên, đối với giáo dục phổ thông, đặc biệt là đối với các cấp học Tiểu học và THCS thì phương thức dạy học qua truyền hình có nhiều ưu điểm nổi trội hơn.
Thứ nhất, dưới góc nhìn của tâm lý học lứa tuổi, kinh nghiệm thế giới cho thấy học sinh phổ thông, đặc biệt là ở các cấp Tiểu học và THCS thích hợp với dạy học qua truyền hình hơn là với dạy học trực tuyến.
Thứ hai, dạy học trên truyền hình cho bậc học phổ thông ở Việt Nam có tính khả thi cao hơn so với dạy học trực tuyến bởi vì các điều kiện để triển khai nó hầu như đã có sẵn, bao gồm: Kênh truyền hình, đội ngũ đạo diễn truyền hình, đội ngũ kỹ thuật viên, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa, hệ thống giáo án…
Nếu không quá cầu toàn thì có thể thấy cách dạy trên truyền hình và cách dạy truyền thống giống nhau về cơ bản (chỉ khác đôi chút là ở chỗ trường hợp này người thầy đứng trước học sinh còn trường hợp kia người thầy đứng trước camera).
Đầu tư cho dạy học trên truyền hình sẽ không lớn nếu biết khai thác mạng lưới truyền hình quốc gia to lớn đang có (bao gồm cả truyền hình trung ương lẫn truyền hình địa phương) mà nhìn chung còn chưa sử dụng hết công suất.
“Để học trực tuyến hiệu quả thì chất lượng phủ sóng phải tốt. Thứ hai là phải đảm bảo đủ thiết bị học tập, và phải có chất lượng, không phải là cái điện thoại với màn hình bé con con. Ở nhà tôi, có hai cháu nội mà có khi chạy cuống lên, do mạng phập phù. Các cháu phải mượn máy tính của bố. Khi máy của bố trục trặc thì lại vội “giật” máy tính của ông. Mà đó là ở giữa Thủ đô và gia đình không phải không có điều kiện cho con học còn vậy. Vậy thì đối với đại đa số người dân, nhất là với những gia đình khó khăn sẽ như thế nào? Nếu dịch ngắn, chỉ khoảng một vài tuần thì có thể học trực tuyến. Nhưng nếu dịch kéo dài khoảng vài ba tháng, hoặc dài hơn nữa thì không ổn. Học trực tuyến chỉ phù hợp với bậc học cao”, ông Khuyến nói.
Theo ông Khuyến, so với dạy học truyền thống và dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình bị hạn chế ở khâu tương tác thầy – trò. Tuy nhiên, có thể khắc phục bằng việc huy động đội ngũ giáo viên trực tiếp ở các cơ sở giáo dục tham gia vào quá trình dạy học trên truyền hình thông qua vai trò trợ giảng.
Theo đó, các giáo viên sẽ theo dõi trực tiếp bài giảng trên truyền hình, trực tiếp giải đáp thắc mắc của học sinh, tổ chức cho học sinh học theo nhóm nhỏ ở các khu dân cư, hướng dẫn học sinh tự học và đánh giá kết quả học tập của học sinh...
Để quản lý và giám sát việc học tập của học sinh ở các nhóm nhỏ, nhà trường cần làm việc với hội cha mẹ học sinh, huy động họ tham gia vào hoạt động này.
Chính vì những lý do đó, mà mới đây, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cũng đã có kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ về việc khẳng định dạy học qua truyền hình là phương thức dạy học chủ lực cho đa phần các cơ sở giáo dục phổ thông tại các vùng có dịch, có kết hợp một cách hợp lý, tùy tình hình cụ thể, với các phương thức dạy trực tiếp và trực tuyến.
Kiến nghị Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT quy định rõ các nội dung dạy trên các kênh truyền hình quốc gia và địa phương phải bám sát chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ ban hành, phải kế tiếp với những nội dung đã học thời gian trước dịch và bắt buộc tất cả học sinh (trừ những trường được Bộ công nhận đủ điều kiện dạy học trực tuyến) phải học trong thời gian nghỉ đến trường trong mùa dịch. Tránh tâm lý ở không ít người, kể cả lãnh đạo ngành,địa phương chờ hết dịch các trường sẽ được Bộ cho kéo dài khung thời gian để dạy bù các nội dung còn chưa được dạy trên lớp trước dịch.
Giao Bộ GD&ĐT chủ trì và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xây dựng phương án dạy học trên truyền hình, cho học sinh phổ thông trong cả nước. Đồng thời, kêu gọi các nhà hảo tâm gửi thiết bị nghe nhìn cho các địa phương có khó khăn để học sinh những nơi đó được tham gia học tập trên truyền hình.
Trao đổi với phóng viên, một số giáo viên cũng đồng tình với quan điểm trên. TS Nguyễn Phan Kiên, Giảng viên Bộ môn Công nghệ Điện tử và Kỹ thuật Y sinh, Viện Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, anh ủng hộ phương án học trên truyền hình là chủ đạo, bởi sẽ có nhiều thuận lợi hơn học trực tuyến, trong đó, đặc biệt là vấn đề thiết bị, máy tính để học.
Theo ông Lê Viết Khuyến, đối với giáo dục phổ thông chỉ nên cho phép áp dụng đại trà dạy và học trực tuyến ở những cơ sở giáo dục phổ thông (chủ yếu cho cấp THPT) có phương thức dạy thực sự “trực tuyến” và phải bảo đảm cho 100% học sinh của những cơ sở đó có đủ điều kiện để học trực tuyến. Trong trường hợp ngược lại, dạy học trực tuyến chỉ nên áp dụng riêng lẻ cho các bài học nâng cao hoặc bổ trợ cho những nhóm học sinh có điều kiện về kinh tế.