“Thần đồng bơi lội” bị đình chỉ học trước khi thi đấu SEA Games
Câu chuyện Vận động viên Nguyễn Hữu Kim Sơn từng được mệnh danh là "thần đồng bơi lội Việt Nam" bị đình chỉ học ngay trước khi thi đấu SEA Games làm thành tích thi đấu bị ảnh hưởng đang được dư luận quan tâm.
"Thần đồng bơi lội" Nguyễn Hữu Kim Sơn. |
Kim Sơn là hiện tượng của làng bơi Đông Nam Á ở SEA Games 29 năm 2017, khi giành Huy chương (HC) Vàng nội dung 400m hỗn hợp cá nhân. Sơn cũng lập kỷ lục SEA Games khi về đích ở 4 phút 22 giây 12. Kình ngư này từng gây địa chấn vì lúc đó mới 15 tuổi.
Tuy nhiên tại SEA Games 30, Kim Sơn đã không thể bảo vệ được vị trí này và chỉ giành được HC Đồng (người giành HCV cũng là vận động viên Việt Nam-Trần Hưng Nguyên).
Sau khi giành được HC Đồng nội dung bơi hỗn hợp 400m nam, Kim Sơn chia sẻ em bị áp lực do trước đó Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thủ Đức thông báo sẽ đình chỉ học do nghỉ quá 45 ngày không có lý do.
Nguyễn Hữu Kim Sơn theo học văn hóa tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia TPHCM theo sự hợp tác với Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thủ Đức.
Em Sơn cho biết, do em đi tập huấn 3 tháng ở nước ngoài, nhưng phía Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thủ Đức không nhận được thông tin này nên em đã bị đình chỉ học lớp 11 theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Bà Nguyễn Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, Sở đã nắm thông tin về vận động viên Nguyễn Hữu Kim Sơn bị đình chỉ học trước SEA Games.
Theo bà Thu, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TPHCM hợp đồng với Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thủ Đức để dạy văn hóa cho Nguyễn Hữu Kim Sơn.
Phía TTGDTX Thủ Đức không nhận được thông tin về Sơn đi tập huấn nên họ tưởng em này nghỉ học không lý do.
Trên thực tế, Kim Sơn chưa bị xóa tên ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thủ Đức nhưng lớp của em đã học gần xong học kỳ I. Vì vậy quan trọng là tìm được lớp nào phù hợp để em theo học tiếp chứ không thể vào lớp cũ. Khi em về Sở sẽ tìm cách giải quyết linh hoạt.
Không nên bắt vận động viên đỉnh cao học văn hóa như học sinh bình thường
Trao đổi với KH&ĐS về câu chuyện của vận động viên Kim Sơn, thầy giáo Lưu Văn Hưng, Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao Hà Nội cho biết, việc học văn hóa của các vận động viên là vấn đề cần được quan tâm và xem xét.
Niềm vui của các "cô gái vàng" Việt Nam. |
Theo ông Hưng, với những vận động viên đỉnh cao, đạt thành tích cao quốc gia, quốc tế thì không nhất thiết bắt các em phải học văn hóa giống như các học sinh phổ thông khác.
Lý do là vì, thời gian của các em quá eo hẹp, trong khi cường độ luyện tập quá vất vả, nặng nhọc. Nếu kết hợp thêm phải học văn hóa như bình thường nữa thì sẽ rất áp lực.
Trong khi đó, chương trình của các vận động viên hiện tại không có sự giảm nhẹ nào cả. Mà chủ yếu do giáo viên các trường tự “co kéo” làm sao cho phù hợp nhất.
Đội tuyển bóng đá nam mừng chiến thắng. |
Ví dụ, khi các em đi tập huấn vài tháng hoặc gần hết học kỳ mới trở về thì có một tháng tập trung cho các em học văn hóa, các giáo viên đã phải biên tập lại chương trình, lấy kiến thức nòng cốt, cơ bản nhất trong bộ sách. Còn những bài đọc thêm hay mở rộng nâng cao coi như lược bỏ.
Điều này khiến giáo viên cũng bị áp lực, làm sao tạo điều kiện được cho học sinh mà vẫn phải đảm bảo được trình độ văn hóa chuẩn phổ thông cho các em.
Các giáo viên cũng rất nỗ lực, dạy cả ngày, cả buổi tối. Tuy nhiên, đối với vận động viên, không phải em nào cũng đáp ứng được, rất khó khăn trong quá trình học tập.
“Cho nên, chúng tôi kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ VHTT&DL cần có sự xem xét, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho vận động viên, đặc biệt với vận động viên đỉnh cao, có giải quốc gia, quốc tế.
Hiện tại, khi lịch thi đấu hay tập huấn trùng với thi THPT Quốc gia, thì các em cũng đã được đặc cách tốt nghiệp rồi. Tuy nhiên, tôi đề xuất, cần có chính sách, nếu các em đạt được thành tích xuất sắc, giành huy chương thì các em sẽ được đặc cách tốt nghiệp, không phụ thuộc vào việc các em có đi thi đấu hay tập huấn hay không. Và chương trình học có sự giảm tải”, ông Hưng nói.
Thực ra, trong một lớp, khóa học cũng không có nhiều các em đạt thành tích như thế này. Chỉ khoảng 1 – 2 em. Còn học sinh không đoạt huy chương thì vẫn học bình thường, để sau này nếu không theo nghiệp thể thao vẫn có thể có nghề nghiệp khác.
Điều này để tránh gây những thiệt thòi cho các vận động viên đỉnh cao. Ví dụ như trường hợp vận động viên Taekwondo Nguyễn Thành Tâm đã thi đấu đạt rất nhiều giải cao. Tuy nhiên, 8 năm nay rồi vẫn chưa tốt nghiệp, lấy được bằng tốt nghiệp THPT Quốc gia.
Điều đó ảnh hưởng tới quyền lợi của Tâm bây giờ, khi không biết xếp bảng lương thế nào dù Tâm đã theo con đường thể thao chuyên nghiệp rồi.
“Tất nhiên, vẫn phải có một chuẩn văn hóa nhất định, nhưng nên có sự linh động, tạo điều kiện tốt nhất cho các em. Tôi lấy ví dụ, trong các vận động viên tham dự SEA Games lần này, với những vận động viên đạt huy chương thì cần có sự ưu tiên.
Chỉ cần chú trọng môn tiếng Anh. Bởi nó sẽ rất cần thiết khi các em luyện tập, thi đấu, giao tiếp trong môi trường quốc tế…”, ông Hưng nói.
Thầy giáo Lưu Văn Hưng chia sẻ bức ảnh chúc mừng học trò Đoàn Văn Hậu khi cậu ghi bàn mở tỷ số trong trận chung kết bóng dá nam SEA Games. |
Thầy giáo Hưng cho biết, cầu thủ Đoàn Văn Hậu là học trò cũ của mình. Hậu là học sinh rất ngoan, ít nói, điềm đạm. Và thành công của Đoàn Văn Hậu có được hôm nay, là do nghị lực phi thường. Nhà Hậu rất nghèo, nhưng Hậu luôn có ý chí tập luyện, nỗ lực cao. Cầu thủ Nguyễn Thành Trung cũng vậy. Thầy Hưng rất vui khi chứng kiến màn mở tỷ số tuyệt vời của học trò Hậu, cùng các học trò làm nên tấm huy chương vàng cho bóng đá SEA Games ở cả hai đội tuyển nam và nữ.