30 phút hoạt động thể chất mỗi ngày giảm ung thư đại trực tràng 12%
Hoạt động thể chất đều đặn và đầy đủ sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển căn bệnh ung thư, thậm chí là một trong những yếu tố phòng ngừa khi thường xuyên sử dụng rượu, thuốc lá hoặc chế độ ăn uống không hợp lý. Theo các nghiên cứu được đăng tải trên tờ Le Figaro, tác dụng bảo vệ của hoạt động thể chất chống lại một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng và ung thư vú, đây là 2 bệnh ung thư thường gặp nhất. Ung thư nội mạc tử cung, phổi, trực tràng, tuyến tiền liệt, buồng trứng, tuyến giáp và tuyến tụy cũng có liên quan với hoạt động động thể chất với các mức độ bằng chứng khác nhau.
Hiệu quả bảo vệ thậm chí đã được định lượng qua kết quả của các nghiên cứu: Nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng giảm 17% khi hoạt động thể chất thường xuyên so với trạng thái ít vận động và ung thư vú giảm 20%. Ngoài ra, hoạt động thể chất càng nhiều và đều đặn thì hiệu quả bảo vệ càng lớn. Vì vậy, cứ sau 30 phút mỗi ngày hoạt động thể chất thêm, nguy cơ ung thư đại trực tràng giảm khoảng 12%.
Lợi ích của hoạt động thể chất cũng được xác minh ở tất cả các giai đoạn của cuộc sống. Một nghiên cứu ở 3 nhóm tuổi (cá nhân dưới 25 tuổi, từ 25 - 50 tuổi và trên 50 tuổi) cho thấy, hoạt động thể chất làm giảm nguy cơ ung thư vú. Điều này có nghĩa là không giới hạn tuổi và không bao giờ là quá muộn để bắt đầu tập thể dục.
Cơ chế kiểm soát bệnh khi tập thể dục
Những đặc tính bảo vệ này có thể được giải thích bằng các cơ chế khác nhau: Kiểm soát trọng lượng cơ thể tốt hơn, sự thừa cân liên quan đến một số bệnh ung thư (thực quản, nội mạc tử cung, thận, đại tràng-trực tràng, tụy, hoặc thậm chí là vú sau khi mãn kinh), cũng như giảm nồng độ một số hormon và các yếu tố tăng trưởng (insulin, IGF-1...), thúc đẩy sự tăng sinh tế bào.
Đối với ung thư đại trực tràng, việc thúc đẩy quá trình tiêu hóa do gắng sức thể lực làm giảm thời gian tiếp xúc của niêm mạc đường tiêu hóa với các chất gây ung thư từ thực phẩm. Đối với ung thư vú, tập thể thao làm giảm mức estrogen, lưu thông và cải thiện khả năng miễn dịch. Hoặc đối với ung thư phổi, chức năng hô hấp tăng khi tập thể dục sẽ làm giảm nồng độ các chất gây ung thư trong cơ quan này cũng như căng thẳng, oxy hóa do hút thuốc.
Các khuyến nghị cho hoạt động thể chất để phòng ngừa ung thư tương tự với khuyến nghị để ngăn ngừa các bệnh khác, chẳng hạn như béo phì với bệnh lý tim mạch. Cụ thể mọi người nên tập thể dục với cường độ vừa đến mạnh tối thiểu 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần cho người lớn và ít nhất một giờ mỗi ngày cho trẻ em. Tuy nhiên, đây là những khuyến cáo mức trung bình tổng thể và bất kỳ nỗ lực hoạt động thể chất nào cũng có lợi, thậm chí thời gian có thể ngắn hơn hoặc cường độ tập luyện ít hơn. Lợi ích về sức khỏe sẽ tăng thêm nếu thời gian tập luyện trên 300 phút (5 giờ) mỗi tuần cho hoạt động cường độ trung bình hoặc 150 phút (2 giờ 30 phút) mỗi tuần cho hoạt động cường độ cao.
Cuối cùng, ngay cả khi bị ung thư, việc tiến hành các hoạt động thể chất cũng được khuyến nghị, tùy theo khả năng của bệnh nhân. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, luyện tập thể dục với cường độ thấp đến trung bình trong quá trình điều trị bệnh ung thư sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống với lợi ích giải toả sự mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm, giấc ngủ.
TS Phạm Quang Trung (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)