Tập thể dục nhiều có giảm loãng xương?

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều người phát hiện loãng xương khi bị gãy xương, khi cơ thể đau nhức, đi đứng gù vẹo. Tất cả chúng ta đều bị mất xương khi già đi. Khi xương bị ảnh hưởng bởi bệnh loãng xương, các lỗ hổng trong cấu trúc tổ ong trở nên lớn hơn và mật độ tổng thể thấp hơn, do đó chỉ cần ngã nhẹ xương cũng có thể gẫy.

Loãng xương diễn tiến thầm lặng

Tại hội thảo về cơ - xương - khớp do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, TS.BS Trần Thị Tô Châu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân đến khám chuyên khoa cơ xương khớp tăng từ 20% trở lên. 11% số người trưởng thành ở nước ta bị loãng xương, 38% phụ nữ trên 65 tuổi bị loãng xương và 60% người trên 65 tuổi bị thoái hoá khớp. Trong khi đó, khẩu phần ăn của người Việt Nam mới chỉ cung cấp được gần một nửa nhu cầu canxi của cơ thể, cùng với việc không bổ sung canxi kịp thời thì việc tập luyện không đúng cách cũng ảnh hưởng tới xương khớp của nhiều người.

Bất kỳ ai cũng có thể bị loãng xương nhưng một số có nguy cơ bị loãng xương cao hơn, ví dụ phụ nữ có nguy cơ loãng xương cao hơn nam giới vì quá trình mất xương tăng tốc trong giai đoạn mãn kinh, khi buồng trứng ngừng sản xuất hormon sinh dục nữ estrogen. Những người mắc bệnh lý cường giáp, đái tháo đường, to đầu chi… có nguy cơ loãng xương cao. Những người thường xuyên sử dụng corticoid trong thời gian dài cũng rất dễ bị loãng xương. Ngoài ra ăn uống thiếu chất, suy dinh dưỡng hay các bệnh gan mãn tính cũng dễ dẫn đến loãng xương.

Một số biểu hiện của loãng xương dễ nhận ra, ví dụ ngã nhẹ đã dẫn đến gãy xương, vị trí gãy thường xảy ra ở xương chậu, cột sống hoặc cổ tay. Những người loãng xương thường có xương cột sống yếu, dễ bị lún, sụt đốt sống, lưng cong vẹo, giảm chiều cao.

Thiếu canxi thời gian dài ảnh hưởng mô xương

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, loãng xương xảy ra khi cơ thể bị thiếu canxi và phosphate. Việc cơ thể bị thiếu hụt hai dưỡng chất này trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến việc hình thành các mô xương do xương là cơ quan luôn cần được tái tạo và bổ sung dưỡng chất, đặc biệt là canxi. Khi còn trẻ các cơ quan trong cơ thể có thể tự hấp thu và tổng hợp canxi nên việc tái tạo xương trở nên dễ dàng hơn. Ở độ tuổi ngoài 20 là lúc khối lượng xương hoàn hảo nhất. Khi lớn tuổi, khối lượng xương bắt đầu giảm đi, việc tái tạo xương cũng bị ảnh hưởng từ đó gây loãng xương.

Loãng xương bắt nguồn từ lối sống lười vận động, hay xảy ra đối với nhân viên văn phòng, người trung và cao tuổi. Loãng xương xảy ra với người phải lao động vất vả, chế độ dinh dưỡng thiếu canxi trong thời gian dài và người già do quá trình tạo xương bị giảm xuống, làm xương giòn dễ dàng bị gãy.

Để phòng tránh bệnh cơ xương khớp, theo TS.BS Trần Thị Tô Châu, việc tập thể dục, đi bộ, leo cầu thang rất tốt cho nhiều người nhưng tùy từng lứa tuổi để lựa chọn phương pháp tập cho phù hợp. Ví dụ, đối với người trung tuổi, việc leo cầu thang, đặc biệt là xuống cầu thang thì toàn bộ trọng lượng cơ thể sẽ dồn xuống các khớp ở chi dưới, tạo áp lực lớn đối với các khớp đang có suy thoái, vì vậy nên chọn những phương pháp tập thể dục không để khớp phải chịu tải nhiều như đạp xe, bơi lội, yoga. Tập thể dục khuyến khích sự phát triển của xương nhưng với phụ nữ, nếu tập thể dục quá nhiều có thể khiến chu kì kinh dừng lại cũng có nguy cơ cao loãng xương bởi nồng độ estrogen của họ sẽ bị giảm khi tập luyện quá sức.

Bệnh loãng xương hiện nay chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thể áp dụng một số biện pháp để cải thiện tình trạng xương, làm chậm quá trình phát triển của bệnh như cung cấp canxi cho cơ thể đầy đủ, ít nhất 600 đơn vị (IU) mỗi ngày. Bổ sung vitamin D giúp cơ thể có thể tổng hợp canxi. Nên kiểm soát cân nặng, không để thừa cân, thiếu cân. Nam giới ngừng hút thuốc lá, uống rượu, nước ngọt có ga càng sớm càng tốt. Nên tăng cường thực phẩm giàu canxi như trứng, sữa, hải sản, tôm, cua, cá. Nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và duy trì những môn tập thể dục phù hợp với độ tuổi để kích thích mật độ xương phát triển, phòng tránh loãng xương.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top