Nắng nóng: Chú ý các bệnh về da khi đi bơi

Khô da, viêm da, viêm nang lông, nấm da... là bệnh về da thường gặp khi đi bơi do các hóa chất và vi sinh vật trong nước hồ.

BSCKII Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết bơi lội là cách tuyệt vời để rèn luyện thể lực, vận động toàn bộ cơ thể song không ảnh hưởng đến các khớp, cải thiện chức năng tim mạch và dung tích phổi. Tuy nhiên, bơi lội ảnh hưởng với làn da do nước hồ bơi có hóa chất khử trùng… Vì vậy, người dân cần phải biết cách phòng ngừa và chữa trị kịp thời.

Khô da

Người đi bơi có thể bị khô da, đặc biệt đối với người viêm da cơ địa, do nước hồ bơi chứa chlorine - một chất diệt khuẩn có khuynh hướng làm khô da. Thêm nữa, ngâm mình lâu trong nước sẽ hòa tan và rửa trôi các chất làm ẩm tự nhiên của da. Hậu quả là lớp sừng của da bị mất độ ẩm, da khô, tróc vảy và ngứa.

Để khắc phục tình trạng khô da, nên tắm bằng nước ấm và thoa dưỡng ẩm trước khi bơi. Tắm lại bằng sữa tắm dịu nhẹ sau khi bơi, tốt nhất là tắm với nước ấm hoặc nước lạnh thay vì nước quá nóng. Thoa dưỡng ẩm ngay sau khi tắm xong. Trường hợp khô da, tróc vảy nặng kèm đỏ, ngứa cần phải thoa corticosteroid theo chỉ định của bác sĩ.

Nắng nóng: Chú ý các bệnh về da khi đi bơi ảnh 1

Nắng nóng: Chú ý các bệnh về da khi đi bơi

Nấm da hoặc nấm da chân

Các vi nấm gây bệnh có thể lây truyền gián tiếp qua hồ bơi, sàn hồ bơi và sàn nhà tắm. Nhiễm nấm bàn chân là do hàng rào bảo vệ da của bị suy yếu. Da thường xuyên bị ẩm ướt là điều kiện thuận lợi lây truyền và phát triển vi nấm ở da. Ngoài ra, mặc đồ ẩm ướt kéo dài, vệ sinh kém cũng tạo điều kiện cho vi nấm phát triển.

Mang dép khi đi lại quanh thành hồ bơi hoặc sàn tắm công cộng có thể giúp hạn chế nhiễm nấm bàn chân. Hạn chế mặc đồ chật. Tắm rửa vệ sinh sạch sẽ sau khi bơi xong. Trường hợp nhiễm nấm cần điều trị bằng thuốc kháng nấm thoa hoặc uống tùy độ nặng.

Viêm nang lông do ngâm bồn tắm

Da tiếp xúc với nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa ở hồ bơi, bồn ngâm nước nóng, các bồn tắm sục. Vi khuẩn này có khả năng sống được ở nước ấm và kiềm. Biểu hiện là các sẩn mụn mủ nằm ở nang lông xuất hiện khoảng 8-48 giờ sau khi bơi hoặc ngâm bồn. Đôi khi bệnh nhân có các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, nổi hạch.

Cần đến bác sĩ khám ngay khi có các biểu hiện bất thường. Khử trùng nước hồ bơi bằng chlorine và kiểm soát độ pH của các bồn tắm nóng có thể giúp hạn chế viêm nang lông.

Viêm da tiếp xúc với kính bơi

Vòng đệm ở kính bơi có thể gây viêm da tiếp xúc ở những người dị ứng cao su, gây đỏ da, ngứa và đôi khi nổi mụn nước ở vùng da tiếp xúc quanh mắt. Một số trường hợp dị ứng với kẹp mũi và nút tai.

Người có tiền sử dị ứng nên thận trọng, tránh tiếp xúc với những vật dụng có cao su, ví dụ kính bơi không có cao su. Trường hợp viêm da sau tiếp xúc kính bơi, thoa hoặc uống corticosteroid tùy mức độ nặng, theo chỉ định của bác sĩ.

Viêm nang lông vùng mặc Bikini

Đây là dạng viêm nang lông sâu do vi khuẩn khi mặc quần bơi bó sát, ẩm ướt cả ngày. Biểu hiện là những nốt đỏ, cứng nằm dọc theo lằn mông dưới.

Việc điều trị viêm nang lông, tùy vào mức độ bệnh sẽ sử dụng kháng sinh uống hay thoa. Hạn chế mặc đồ bơi ẩm ướt bó sát kéo dài, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Hội chứng bàn chân nóng do Preudomonas

Là tình trạng nổi các nốt đỏ, đường kính khoảng 1-2 cm, rất đau ở lòng bàn chân và đôi khi ở lòng bàn tay. Các nốt này xuất hiện khoảng 48 giờ sau khi bơi do nhiễm vi khuẩn Pseudomonas. Bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

Mụn cóc bàn chân

Mụn cóc bàn chân là bệnh da rất thường gặp, do virus HPV gây ra. Mụn cóc bàn chân có biểu hiện giống như một nốt chai chân nhưng trên bề mặt có lấm tấm các chấm đen (giúp phân biệt với chai chân).

Việc sử dụng phòng tắm hồ bơi công cộng hoặc đi lại quanh phòng thay đồ bằng chân trần sẽ làm tăng nguy cơ phát triển các mụn cóc.

Vận động viên bơi lội có tỷ lệ mắc mụn cóc bàn chân cao hơn so với nhóm người không bơi lội. Theo một nghiên cứu, tỷ lệ mụn cóc bàn chân ở những người hay bơi lội có sử dụng phòng tắm công cộng là 27%.

Có thể hạn chế mắc mụn cóc bàn chân bằng cách mang vớ dùng trong hồ bơi và mang dép khi đi lại trong các phòng tắm công cộng. Trong trường hợp bị mụn cóc bàn chân, bệnh nhân cần đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được đốt laser, chấm nitơ lỏng.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top