Mua iPhone cũ: Ham rẻ hóa… đắt

IPhone cũ đã và đang là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi có thể tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ. Tuy nhiên, đi đôi với đó sẽ là những rủi ro tiềm ẩn, không ít người ngậm ngùi vì “tiền mất tật mang”.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trường hợp người tiêu dùng có kinh tế eo hẹp nhưng muốn sở hữu smartphone cao cấp của nhà “táo” thì chọn mua iPhone cũ là hợp lý. Máy cũ sẽ có mức giá mềm và dễ chịu hơn so với hàng chính hãng, với mức chênh lệch từ 20% đến 30% so với máy mới.

Theo khảo sát, hiện nay, những dòng iPhone cũ hay còn gọi là máy like new bán trên thị trường đều được quảng cáo đảm bảo tiêu chí nguyên zin về linh kiện, không hỏng hóc, không sửa chữa, và thường hay đi kèm với tỉ lệ về độ mới ví dụ như: 99%, 98%, 95%,… Ví dụ, chiếc iPhone 14 Pro 128GB giá khoảng 25 triệu đồng, nhưng nếu chọn sản phẩm đã qua sử dụng, bạn chỉ phải trả 19 triệu đồng với máy 95%.

Chính vì những ưu điểm về giá thành nên dòng máy này được rất nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, cũng không ít các trường hợp kẻ gian lợi dụng điều này để lừa đảo, bán hàng kém chất lượng.

Nhiều chiêu trò “lừa” khách hàng

Chị Hiền (Cầu Diễn, Hà Nội) bức xúc kể lại trải nghiệm mua hàng “đáng quên” hồi đầu năm nay. Chị có mua iPhone 11 Pro Max 256GB giá 12 triệu đồng ở một cửa hàng trên đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội. Sản phẩm được người bán cam đoan máy linh kiện zin toàn bộ, hình thức đẹp như mới. Máy rẻ hơn các cửa hàng khác đến 3 triệu đồng, vì vậy chị đã xuống tiền mua.

Sử dụng được 1 ngày, máy hiện nhiều lỗi hỏng như sủi keo màn hình, camera bị lệch, thậm chí phát ra âm thanh như bị chập cháy, không tra được mã IMEI trên website của hãng Apple…

“Nghi ngờ máy được lắp ráp từ linh kiện cũ đã qua sử dụng, tôi đã mang máy đến cửa hàng để khiếu nại thì nhân viên không thừa nhận, đổ lỗi cho bên vận chuyển đã làm hư hỏng sản phẩm. Tôi đã yêu cầu trả lại máy, hoàn lại tiền, thế nhưng cửa hàng nói phải trả tiền phí tương đương 20% giá trị máy.

Không chấp nhận yêu cầu phi lý đó, tôi đã đăng bài phản ánh lên mạng xã hội. Bài đăng nhận được nhiều bình luận nêu rõ, điểm chung khi mua hàng tại cửa hàng trên là giá rẻ nhưng sản phẩm không có hóa đơn, bị nhiều lỗi nên có khả năng cao là hàng dựng từ linh kiện cũ. Biết là bị lừa nhưng không làm gì được, tôi đành bán tháo máy lại cho cửa hàng, chịu lỗ gần 3 triệu đồng”, chị Hiền kể lại.

Tương tự, Anh Giang (Long Biên, Hà Nội) cho biết, do cần mua chiếc iPhone 13 bản 128GB, anh đã chi gần 15 triệu đồng mua máy cũ của một cửa hàng trên đường Thái Hà, Hà Nội vào thời điểm cuối tháng 4/2023. Khi mua, cửa hàng cam kết sản phẩm chất lượng, tặng kèm theo phiếu bảo hành 1 đổi 1 trong vòng 30 ngày. Trong thời gian bảo hành, nếu máy có trục trặc do lỗi của nhà sản xuất, cửa hàng sẽ sửa chữa và thay thế linh kiện miễn phí.

Tuy nhiên, dù chưa hết thời gian bảo hành, máy… “đổ bệnh”: Màn hình cảm ứng dùng chập chờn, lúc được lúc không. Anh Giang đưa máy ra đổi thì cửa hàng quanh co cho xong, nói là nhân viên in nhầm phiếu. Quán chỉ chấp nhận sửa chứ không cho đổi máy mới, sau khi thay màn hình khác về sử dụng tiếp thì mất cả tính năng true tone.

“Dùng tiếp được khoảng 2 tháng thì lại bị hỏng cảm ứng màn hình. Có khiếu nại, nhắn tin cho quán nhưng không được giải quyết vì quá hạn bảo hành, giờ muốn thay mới thì mất 4 triệu. Mua 13 triệu sau 2 tháng bán lại 8 triệu”, anh Giang bức xúc kể lại.

Theo Đời sống
Tu Mơ Rông xanh bình yên, đẹp mơ màng

Tu Mơ Rông xanh bình yên, đẹp mơ màng

Nằm yên bình dưới chân núi Ngọc Linh, Tu Mơ Rông thuộc tỉnh Kon Tum, còn giữ nguyên nét hoang sơ, trong lành. Đây là điểm đến hợp với những người yêu thiên nhiên và thích khám phá vùng văn hóa mới.
back to top