Mua giáo án mẫu 5512, giáo viên thấy “hổ thẹn”

(khoahocdoisong.vn) - Một cô giáo ở Hà Nội chia sẻ, cô tự cảm thấy hổ thẹn khi đi mua giáo án mẫu 5512 của chính đồng nghiệp của mình, vì hành vi gian dối. Thế nhưng, có nhiều lý do để phải mua.

Mua giáo án vì soạn mất thời gian mà không dùng tới

Ngày 18/12/2020, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn 5512 về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, trong đó, phần Phụ lục IV “Khung kế hoạch bài dạy” đưa ra mẫu giáo án mới.

Một giáo viên chia sẻ: Không biết bằng một cách “kỳ diệu” nào, khoảng hơn 2 tuần sau khi công văn này ra đời, trong khi các giáo viên khác còn đang loay hoay chưa biết soạn giáo án theo mẫu mới như thế nào thì một nhóm giáo viên ở một tỉnh đã lập tức có “giáo án mẫu” và chào bán với giá từ 200.000 - 300.000đ/bộ gồm cả 3 khối lớp 10, 11 và 12.

Ngay lập tức, đây tựa như cái “phao” và số tiền cũng không quá lớn, nhiều giáo viên đã “mua luôn cho xong”. Một số giáo viên chưa mua, được đồng nghiệp gửi tặng, nhưng khi kiểm tra thì hóa ra tất cả “đều từ một lò”.

Nhiều giáo viên chia sẻ, khi mua giáo án của đồng nghiệp cảm thấy hổ thẹn, xấu hổ.

"Bởi mình cũng là giáo viên được đào tạo bài bản, giảng dạy có uy tín, vậy mà giờ lại phải làm cái việc gian dối này. Thế nhưng, nếu không mua thì soạn quá vất vả. Một tiết dạy cả chục trang giáo án. Dạy 2 khối lớp soạn cả ngàn trang. Và điều quan trọng là chúng tôi không dạy theo giáo án này. Soạn vất vả cũng chỉ để đối phó khi cấp trên kiểm tra thì rất lãng phí thời gian, công sức, nên mua cho xong”, một giáo viên chia sẻ.

Khi mua giáo án về, các giáo viên chỉnh sửa lại một số thông tin, nội dung cho “khớp”, để biến thành sản phẩm của mình. Nhưng về cơ bản, vẫn theo “mẫu” gốc. Giáo án bỗng trở thành “đồng phục” ở rất nhiều trường. Và có những giáo án cho đến lúc được mở ra để thanh tra, kiểm tra vẫn “mới tinh, thơm mùi giấy mực” vì chưa dùng đến bao giờ.

Giáo án được rao bán với rất nhiều bình luận hỏi mua.

Giáo án được rao bán với rất nhiều bình luận hỏi mua.

Có bắt buộc hay không?

Trong một bộ giáo án khối 12, soạn theo mẫu 5512 mà giáo viên cung cấp là đã phải mua hoặc được cho, tặng, hầu hết các tiết dạy trung bình đều từ 7 – 10 trang, hoặc hơn.

Chẳng hạn, trong 2 tiết dạy mở đầu bộ giáo án, chủ đề Truyện Việt Nam hiện đại giai đoạn 1945 - 1975, tác phẩm Vợ chồng A Phủ (trích đoạn), giáo viên soạn 17 trang.

Một giáo viên cho biết, mẫu giáo án mới yêu cầu “khoa học hóa” mọi thao tác, kỹ thuật dạy học; vì vậy, dẫn đến yêu cầu từng đoạn vị kiến thức nhỏ cũng phải nêu rõ yêu cầu mục tiêu, nội dung, phương pháp, sản phẩm, từ đó dẫn tới  cồng kềnh.

Cụ thể, theo mẫu giáo án này, mỗi bài dạy đều có mục tiêu chung, bao gồm:

1. Về kiến thức: Nêu cụ thể nội dung kiến thức học sinh cần học trong bài theo yêu cầu cần đạt của nội dung giáo dục/chủ đề tương ứng trong chương trình môn học/hoạt động giáo dục.

2. Về năng lực: Nêu cụ thể yêu cầu học sinh làm được gì (biểu hiện cụ thể của năng lực chung và năng lực đặc thù môn học cần phát triển) trong hoạt động học để chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học/hoạt động giáo dục.

3. Về phẩm chất: Nêu cụ thể yêu cầu về hành vi, thái độ (biểu hiện cụ thể của phẩm chất cần phát triển gắn với nội dung bài dạy) của học sinh trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập và vận dụng kiến thức vào cuộc sống.

Tuy nhiên, sau đó, từng hoạt động lại tiếp tục phải tiếp tục cụ thể các mục tiêu (giáo án cũ chỉ có mục tiêu chung). Và riêng mục tiêu chung bài học đã chiếm cả trang rồi, chưa nói tới các mục tiêu chẻ nhỏ ở từng hoạt động khác.

Riêng phần Mục tiêu bài đã học đã chiếm hơn 1 trang. Ảnh chụp màn hình từ một giáo án được "mua", "tặng" do giáo viên cung cấp.

Riêng phần Mục tiêu bài đã học đã chiếm hơn 1 trang. Ảnh chụp màn hình từ một giáo án được "mua", "tặng" do giáo viên cung cấp.

Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, nếu giáo viên xác định trúng vấn đề thì chỉ cần soạn khoảng 2 - 3 trang/tiết; một bài 2 tiết thì Kế hoạch bài dạy chỉ khoảng 3 - 5 trang, không thể dài hàng chục trang như một số thầy, cô đã làm, phản ánh. Các giáo viên cho biết, chỉ cần Vụ trưởng nhìn vào thực tế giáo án, sẽ thấy giáo viên phản ánh đúng hay không.

Tại Hướng dẫn xây dựng và tổ chức kế hoạch thực hiện giáo dục của Trường THPT từ năm 2020 - 2021 mà giáo viên nhận được của Sở có ghi rõ: Căn cứ vào kế hoạch dạy học các môn học của Tổ chuyên môn, giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học (theo khung Kế hoạch dạy học tại Phụ lục 3); trên cơ sở đó xây dựng các kế hoạch bài dạy (theo Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục 4) để tổ chức dạy học.

Tại nhiều trường, giáo viên đã phải soạn theo mẫu giáo án mới này. Và việc thanh tra, kiểm tra cũng với giáo án mẫu 5512. Tuy nhiên, ông Thành khẳng định trên báo chí, khung kế hoạch bài dạy không phải là mẫu giáo án mà là những hướng dẫn, gợi ý để giáo viên xác định mục tiêu, nội dung và sản phẩm hoạt động học, tổ chức cho học sinh thực hiện để "Ra câu hỏi/lệnh" đúng, "trúng" vấn đề theo nội dung dạy học và đối tượng học sinh.

Vậy, giáo viên có phải soạn theo mẫu giáo án mới này không? Nếu không, thì Bộ GD&ĐT cần có một văn bản chính thức để tránh trường hợp giáo viên phải làm theo yêu cầu chỉ đạo để khi thanh tra, kiểm tra không mắc lỗi. Nhưng khi giáo viên phản ánh những bất cập, kêu “khó”, kêu “khổ” thì Bộ lại nói do thầy cô đã hiểu sai, làm không đúng.

Theo các giáo viên, việc lên lớp của người thầy đòi hỏi sáng tạo, nhưng khi giáo án chi tiết hóa như thế, càng chi tiết thì sự sáng tạo sẽ bị "đóng khung". Việc mua, “cho”, “tặng” giáo án để đối phó với công văn của Bộ là có có thật, rất mong Bộ GD&ĐT tìm hiểu để có những điều chỉnh cần thiết, để không những “học thật, thi thật” mà còn phải “dạy thật”.

Theo Đời sống
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp” – sớm thất bại để sẵn sàng cho thành công

Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp” – sớm thất bại để sẵn sàng cho thành công

“Điều chúng tôi muốn hỗ trợ sinh viên là trong quá trình đó các em học được kỹ năng, tư duy khởi nghiệp và trở thành một doanh nhân khởi nghiệp, điều mà các em có thể áp dụng ở mọi mặt của cuộc sống, ngay cả trong đời sống hàng ngày và cả sự nghiệp sau này”, TS Phí Thị Linh Giang, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp, Trường Đại học VinUni chia sẻ.
back to top