Mỡ lắng đọng gây loét da ở người tiểu đường 

(khoahocdoisong.vn) - Thoái hóa hoại tử mỡ là một bệnh lý da thường gặp ở nữ giới mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) lứa tuổi trung niên. Chất mỡ lắng đọng gây nên các tổn thương mảng lớn và gây ra loét cần điều trị sớm để tránh nhiễm trùng thứ phát.

Thoái hóa hoại tử mỡ (NLD) có liên quan chặt chẽ với ĐTĐ. 60% người bệnh có mắc NLD gặp ở người bệnh ĐTĐ lâm sàng; phần còn lại có thể thấy ở người có rối loạn dung nạp glucose hoặc ít nhất là trong tiền sử gia đình có khiếm khuyết chuyển hóa liên quan đến glucose. Trường hợp điển hình mắc bệnh NLD là những người ở lứa tuổi trung niên; với người bệnh ĐTĐ týp 1 tuổi trung bình lúc chẩn đoán là giữa 20 và 30 tuổi, người bệnh ĐTĐ týp 2 thường gặp ở cuối những năm 40 tuổi. Nữ mắc nhiều hơn nam với tỷ lệ 4:1.

Cơ chế bệnh sinh không có sự thống nhất, người ta chưa thấy có cơ sở di truyền rõ ràng, mối liên quan của bệnh với tình trạng quản lý chặt glucose máu cũng chưa chặt chẽ. Có ý kiến cho rằng bệnh mạch máu nhỏ là điều kiện để bệnh phát triển, nhưng cũng có ý kiến phản bác. Các yếu tố bệnh sinh khác cũng được bàn đến, bao gồm sự lão hóa sớm các nguyên bào sợi của da, các quá trình gây tổn thương qua trung gian miễn dịch, những thay đổi ở màng đáy và các yếu tố gây tổn thương khác cũng được bàn đến.

Khởi phát bệnh là những ban màu nâu đỏ hình oval không đều, có viền khá rõ ràng. Khi thoái hóa tiến triển vùng da ở giữa ban bì teo, màu vàng và bị lõm xuống, trên bề mặt là bờ của tổn thương gồ cao, màu đỏ, rụng lông và trở nên nhẵn bóng, nhìn rõ các tĩnh mạch dưới da. Sang thương có thể phát triển thành ổ loét với đường viền tím xung quanh. Tổn thương đa số gặp ở chi dưới 85% trường hợp. Vị trí hay gặp vùng da trước xương chày, thường gặp ở cả hai chân.

Các vị trí có thể gặp khác là ở bàn tay, cánh tay, cẳng tay, thân mặt và da đầu. Tổn thương có thể khác nhau về kích thước thường chúng bắt đầu như các sẩn không có vẩy, màu hồng, lan rộng chậm, dính với nhau tạo thành mảng lớn hơn – đôi khi đường kính tổn thương có thể lên đến vài xăng ti met. Tổn thương loét của NLD xảy ra ở 30% người ĐTĐ, thường thứ phát sau chấn thương.

Trong hầu hết các trường hợp tổn thương thường không gây ra các triệu chứng lâm sàng. Điều làm người bệnh quan tâm chính là do thẩm mỹ. Đôi khi, vết loét có thể gây đau. Chẩn đoán xác định trong hầu hết các trường hợp là dựa vào lâm sàng, nếu không chắc chắn phải làm sinh thiết. Bệnh có thể khỏi tự nhiên trong khoảng 10 – 20% sau diễn biến tự nhiên từ 6 – 12 năm. Người ta có thể điều trị phụ trợ bao gồm bảo vệ tránh chấn thương và liệu pháp steroid tại chỗ được băng kín trong ít tuần.

Khi có tổn thương loét cần điều trị tích cực, bao gồm dự phòng và điều trị nhiễm trùng thứ phát. Khi điều trị nội khoa thất bại phải phẫu thuật bao gồm cắt bỏ triệt để và ghép da. Song trong những trường hợp này kết quả không được hoàn hảo, các tổn thương thứ phát thường xuất hiện quanh miếng ghép.

PGS.TS Tạ Văn Bình (nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư)

Theo TT&CS
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top