Điều trị loét bàn chân ở người đái tháo đường

(khoahocdoisong.vn) - Loét bàn chân, hoại tử là bệnh nhiễm trùng bàn chân thường gặp ở người đái tháo đường có tiên lượng xấu phải cắt cụt. Điều trị những trường hợp này rất khó.

Những yếu tố cản trở đến quá trình lành vết thương: Mạch máu: Xơ vữa mạch máu, tăng độ nhớt của máu; Thần kinh: Mất cảm giác bàn chân, biến dạng bàn chân; Nhiễm trùng: Cắt bỏ mô hoại tử không thoả đáng; khả năng tưới máu giảm; Tắc vi mạch: Quản lý glucose máu kém, nhiễm nhiều vi khuẩn, viêm tuỷ xương, giảm số lượng và chức năng bạch cầu đa nhân, thay đổi cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột; Các yếu tố cơ học: Phù, chịu trọng lực khi đứng cao; Dinh dưỡng kém: Nồng độ albumin; protein máu thấp; Ức chế hệ miễn dịch; Có dị vật; Tổn thương ác tính; Mối quan tâm của người bệnh về bệnh tật kém; Quản lý y tế, chăm sóc của nhân viên y tế kém...

Phương pháp đứng không trọng lực: Đây là phương pháp điều trị không dùng thuốc nhưng có kết quả rất tốt đang được sử dụng rộng rãi. Bàn chân người đái tháo đường; thưòng bị mất hết cảm giác, vì thế vết loét dù rộng, sâu thế nào họ cũng không thấy đau và họ tiếp tục đi, đứng như những người khác. Hậu quả là tổn thương tiếp tục phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Bởi chính động tác đi lại này đã làm tăng khả năng hoại tử, làm vi khuẩn dễ dàng phát triển lan rộng và ăn sâu vào tô chức khác. Việc sử dụng nạng và xe lăn đạt được những yêu cầu của phương pháp đứng - đi không trọng lực.

Một số người đái tháo đường có tổn thương thần kinh mất khả năng điều vận thì việc sử dụng nạng sẽ là nguy hiểm. Với những đối tượng này kỹ thuật "khuôn đúc" tạo hình bàn chân được sử dụng phổ biến; khi sử dụng những phương tiện này, người bệnh có thể đi lại được trên chính đôi chân của mình. Khi đã áp dụng các phương pháp tổng thể khác để điều trị như duy trì glucose máu ở mức độ gần như sinh lý; liệu pháp kháng sinh tại chỗ và toàn thân, nhưng tổn thương vẫn không tiến triển tốt thì phải xét khả năng tháo bỏ.

Các bước tiến hành iệu pháp điểu trị phối hợp: 

1 - Đánh giá tổn thương: Vị trí tổn thương, hình thái tổn thương (độ sâu, rộng), chụp X-quang đổ xem: có dị vật, vó viêm tuỷ xương, có khí dưới da, sinh thiết thăm dò đánh giá tình trạng mạch máu.

2 - Cắt bỏ triệt để mô hoại tử.

3 - Cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ.

4 - Kiểm soát tình trạng chuyển hoá tốt.

5 - Điều trị kháng sinh: Uống, tiêm, đường nên dùng là đường tiêm vì dễ đạt nồng độ cao ở mô ngoại vi hơn là đường uống.

6 - Không sử dụng bể nước xoáy, không ngâm chân.

7 - Áp dụng phướng pháp đi, đứng không trọng lực.

8 - Tăng tạo tưới máu, bảo đảm dinh dưỡng tốt nơi tổn thương.

Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta đã làm hết sức mình nhưng tiến triển của vết thương bàn chân vẫn không tiến triển tốt hơn, thậm chí còn xấu đi. Bởi vì, khả năng lành của vết thương là sự kết hợp của nhiều yếu tố: tình trạng mô, khả năng phục hồi của các dòng tế bào và yếu tố tăng trưởng. Các dẫn xuất từ chính các yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc tiểu cầu có tác dụng làm vết thương mau lành. Các dẫn xuất này thưòng được chế tạo dưới dạng gel bôi lên vết thương, phủ gạc ướt, cứ 12 giờ người ta thay gạc 1 lần. Chế phẩm thông dụng hiện nay là Reganax của ortho-McNeil. Người ta cũng khuyên không nên dùng Reganax cho những vết thương bị nhiễm trùng hoại tử nặng hoặc có dấu hiệu thiếu máu.

Người ta cũng sử dụng các chất có giá trị tương đương như một mô sống để kích thích quá trình lành của các vết loét bàn chân người đái tháo đường. Dermagraft được tách ra từ lớp chân bì của các mô nuôi cấy. Dermagraft bao gồm các fibroblasts chân bì mới hình thành có tác dụng làm vết thương mau lành. Thời gian điều trị trung bình từ 8-12 tuần.

Sử dụng oxy cao áp (Hyperbaric oxygen-HBO) cũng đang được khuyến cáo.

Chú ý: Những yếu tố báo hiệu tiên lượng xấu: Triệu chứng và dấu hiệu: Tăng tiết dịch; Đau tăng lên; Viêm bạch huyết; Đỏ tấy tăng dần; Mùi hôi thối; Hoại tử; Nổi hạch bạch huyết liên quan; Nhiệt độ tại chỗ hoặc nhiệt độ toàn thân tăng; Xét nghiệm cận lâm sàng:Tăng glucose máu, tăng bạch cầu hạt, tăng tốc độ lắng máu..

PGS.TS Tạ Văn Bình (nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư)

Theo KH&ĐS
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top