Mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 điểm đến” tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập.
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương về việc cần sửa đổi mô hình “3 tại chỗ” như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp cũng như diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay.
PV:Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông nhìn nhận như thế nào về phương án “3 tại chỗ”?
TS. Nguyễn Đình Cung: Phương án “3 tại chỗ” thời gian qua đã được áp dụng ở Bắc Giang và Bắc Ninh có vẻ như là các DN chấp nhận được. Tuy nhiên, khi áp dụng vào khu vực miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ thì nó không còn phù hợp và số DN có thể đáp ứng được là không nhiều.
Chính vì vậy, nếu như chúng ta áp dụng cứng nhắc phương án không phù hợp thì chắc chắn là nhiều DN sẽ chấp nhận phương án tạm thời đóng cửa hơn là tiếp tục hoạt động. DN cũng đã phản ánh rất nhiều trong thời gian qua rằng các phương án đó không còn phù hợp. Cho nên Chính phủ cũng đã bắt đầu có những động thái để sửa đổi phương án gọi là “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”.
PV:Từ những bất cập đó, theo ông nếu tiếp tục phương án “3 tại chỗ” thì cần phải áp dụng như thế nào và có những hỗ trợ cụ thể ra sao cho các DN?
TS. Nguyễn Đình Cung: Khi nói đến “3 tại chỗ” chỉ là phương tiện và công cụ để đạt mục tiêu nên ở điều kiện, hoàn cảnh và các vùng khác nhau sẽ có hiệu quả khác nhau. Do đó, “3 tại chỗ” chỉ là 1 cách, còn có thể có những cách thức khác.
Chúng ta không gò DN áp dụng một cách cứng nhắc là tất cả DN đều áp dụng “3 tại chỗ” và cũng không gò ép áp dụng “1 cung đường 2 điểm đến”. Cùng với đó phải mở ra nhiều cách thức khác và chỉ có DN mới biết được cách thức nào là phù hợp với họ trên một nguyên tắc là phòng, chống dịch, đảm bảo được an toàn dịch bệnh.
Bộ Y tế nên ban hành những tiêu chuẩn, quy chuẩn - quy trình này mang tính chất mở, mang tính hướng dẫn để DN xây dựng phương án tổ chức sản xuất trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo an toàn dịch bệnh. Như vậy, đối với những DN áp dụng được “3 tại chỗ” hay tất cả các DN việc đầu tiên là phải có xét nghiệm để loại trừ những người bị nhiễm covid-19.
Chi phí xét nghiệm này là tương đối lớn và dịch vụ xét nghiệm là một dịch vụ công, không phải chỉ có DN được hưởng lợi mà đây là trách nhiệm để cộng đồng cùng được lợi. Vì thế, Nhà nước phải bù đắp chi phí xét nghiệm đó với DN và có thể tìm kiếm những hỗ trợ khác.
Đối với “1 cung đường 2 điểm đến” có thể dễ áp dụng ở Bắc Ninh, Bắc Giang vì công nhân họ ở tương đối tập trung. Còn ở khu vực TP.HCM là tương đối phân tán nên mở ra nhiều điểm đến trên 1 cung đường. Như vậy DN phải chịu trách nhiệm kiểm soát an toàn dịch bệnh đối với nơi ở của công nhân và chính từ đó DN có trách nhiệm và chủ động hơn.
PV:Như những phân tích của ông, nếu sửa qui định cho phù hợp thì phải sửa những gì?
TS. Nguyễn Đình Cung: Theo tôi chúng ta cũng không nên sửa “3 tại chỗ” mà nên đưa ra những phương án mang tính chất gợi mở, không phải là bắt buộc. Những gì mang tính cụ thể hãy để DN họ tự làm. Chỉ cần có những gợi ý, ban hành ra các quy trình chuẩn, đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn về đảm bảo an toàn phòng dịch. Trên cơ sở đó, DN xây dựng 1 phương án và cơ quan y tế ở địa phương xem xét chấp thuận và cùng với doanh nghiệp thực hiện phương án đó. Đấy là cách có thể tạo ra rất nhiều cách làm mà không gò bó ép buộc DN vào một phương thức nào mà người ta có thể là không thể chấp nhận được.
PV:Thưa ông, làm thế nào để có thể thực hiện được đồng bộ các tiêu chuẩn, các quy định trong việc thực hiện giãn cách để có thể hỗ trợ tốt cho DN?
TS. Nguyễn Đình Cung: Giãn cách trong điều kiện hiện nay là điều bắt buộc, chỉ khi nào kiểm soát được dịch bệnh thì lúc đó chúng ta mới quay lại các hoạt động bình thường, trong đó kể cả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhưng một điều cần phải nói là không nên và không thể kiểm soát quá mức đến mức làm đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất một cách phổ biến. Việc áp dụng bất cứ quy định nào cũng phải áp dụng thống nhất toàn quốc, không thể mỗi địa phương đưa ra một chuẩn khiến người dân và DN không thể áp dụng được. Chuẩn đó phải có quy chuẩn, có nghiên cứu và tính toán khoa học, dựa trên các chương trình hợp lý, khoa học một cách thống nhất.
Thống nhất tiếp theo là trên nguyên tắc phải thông suốt, xuyên suốt nhưng giải pháp thực hiện là linh hoạt, sáng tạo. Phải có sự chỉ đạo, theo dõi xuyên suốt các chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ, không nên để người dân, DN phản ánh đến 5 - 6 ngày mà vẫn để tình trạng như vậy và chưa tháo gỡ. Tình trạng dịch bệnh cũng có thể còn kéo dài, cho nên tất cả những điều này cần phải rút kinh nghiệm.
Một điểm rút kinh nghiệm nữa là phải áp dụng công nghệ thông tin. Thực tiễn hiện nay nhu cầu áp dụng rất lớn, nhưng rõ ràng thực tiễn áp dụng công nghệ thông tin là quá yếu trong việc kiểm soát dịch bệnh.
PV:Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!./.