Mô hình "3 tại chỗ" cần thực hiện linh hoạt phù hợp với năng lực của doanh nghiệp

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, việc triển khai mô hình “3 tại chỗ” đang khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều thách thức.

Nguyên nhân là mô hình này đang làm tăng thêm các khoản chi phí của doanh nghiệp. Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị không nên bắt buộc sản xuất “3 tại chỗ” mà nên để doanh nghiệp tự quản lý và chịu trách nhiệm.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, theo yêu cầu của chính quyền địa phương bắt buộc các doanh nghiệp duy trì sản xuất thì phải thực hiện mô hình "3 tại chỗ" (ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và sản xuất tại chỗ). Tuy nhiên, sau khi được triển khai thực hiện mô hình này, tại một số doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động vì xuất hiện ca nhiễm bệnh, thậm chí ngay cả doanh nghiệp đang thực hiện tốt mô hình cũng phải dừng sản xuất.

Cụ thể như, tại tỉnh Bình Dương nhiều doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ buộc phải ngưng hoạt động do xuất hiện ca mắc Covid-19 trong nhà máy. Phương án “3 tại chỗ” trong các khu, cụm công nghiệp đã phát sinh nhiều ổ dịch tại tỉnh Tiền Giang khiến UBND tỉnh này quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của Covid-19…

Trước nguy cơ đứt gãy nguồn nhân lực để duy trì sản xuất, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP May Việt Tiến cho rằng, đối với những doanh nghiệp có hàng nghìn người lao động như dệt may, da giày thì đây là một thách thức cực kỳ lớn.

“3 tại chỗ vấn đề nơi ăn ở, việc nấu ăn 3 buổi: sáng, trưa, tối, sẽ ảnh hưởng tăng thêm chi phí của doanh nghiệp sẽ là một áp lực gây khó khăn cho doanh nghiệp. Việc tạo chỗ nghỉ ngơi cho công nhân lại đòi hỏi sự đầu tư về các vật tư, công cụ như: chăn, màn, chiếu, gối cho người lao động là thách thức cực lớn. Hiện rất ít doanh nghiệp có nhà tập thể lớn để đáp ứng được chỗ ở cho 500 - 1.000 lao động, đối với vấn đề này ngành may rất hiếm. Bây giờ rất nhiều doanh nghiệp không chịu nổi áp lực” - ông Vũ Đức Giang nói.

Trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp của Việt thường có quy mô vừa và nhỏ, còn khó khăn về mặt tài chính, cơ sở vật chất không đáp ứng được việc tổ chức ăn ở, điều kiện sinh hoạt. Do vậy, áp dụng quy định bắt buộc để được hoạt động sẽ gây áp lực quá lớn, nhiều doanh nghiệp lựa chọn ngừng sản xuất.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã gửi thư khẩn tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” cần có sự thay đổi phù hợp. Các địa phương khi yêu cầu doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cần xây dựng và công bố công khai các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy “3 tại chỗ”. Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền TP.HCM và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... cần ưu tiên tiêm vaccine cho các khu công nghiệp trọng điểm để đẩy nhanh cơ hội miễn dịch cộng đồng.

Ông Lê Văn Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương cho rằng, không có cách nào khác ngoài việc nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine Covid-19.

“Doanh nghiệp đang phải chịu chi phí xét nghiệm rất lớn, nhất là khi thực hiện 3 tại chỗ, phải xét nghiệm, nếu có FO thì doanh nghiệp phải chịu chi phí rất lớn, đó là gánh nặng cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đề nghị phải có vaccine để tiêm” - ông Lê Văn Minh nói.

Với mô hình “3 tại chỗ”, các chuyên gia kinh tế cho rằng, áp dụng mô hình này nên để doanh nghiệp tự quản lý và chịu trách nhiệm. Nếu không đủ khả năng đáp ứng, thì có thể giảm quy mô, thực hiện giãn cách trong hoạt động sản xuất. Các doanh nghiệp kiến nghị, ngành y tế sớm hướng dẫn quy trình xử lý cụ thể hơn trong trường hợp “3 tại chỗ”, nhưng xuất hiện ca nhiễm Covid-19 vì hiện nay vẫn đang lúng túng khi xảy ra sự cố.

Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nêu quan điểm: “Giải pháp được đưa ra tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chưa thực sự đi vào cuộc sống vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa văn bản và trên thực tế. Về vấn đề về vaccine, yêu cầu về phòng, chống dịch cần phải chú trọng hơn nữa. Yêu cầu về trứng dịch phải đảm bảo thông suốt thống nhất từ trung ương đến địa phương chứ không phải mỗi một địa phương áp dụng hình thức khác nhau, gây khó cho doanh nghiệp”.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất không đơn thuần vấn đề kinh tế mà cố gắng giữ đơn hàng, nếu đơn hàng bị đứt gãy thì sẽ rất khó lấy lại, kể cả giai đoạn sau dịch. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng được khai thông nguồn vốn với việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ đến hạn ít nhất đến hết quý 1 năm 2022.

Những chính sách hỗ trợ cũng phải được triển khai cấp thiết ngay lúc này từ Chính phủ như giảm thuế suất, thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Các gói hỗ trợ này vừa có lợi cho doanh nghiệp sản xuất, vừa có lợi cho người tiêu dùng trong bối cảnh Covid-19 hiện nay./.

Theo vov.vn
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
back to top