Mất đường cong sinh lý cổ gây nhiều bệnh lý khó lường

(khoahocdoisong.vn) - Mất đường cong sinh lý cổ gây tăng áp lực lên các đĩa đệm đốt sống cổ không chỉ gây thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm mà còn giảm máu lưu thông lên não gây nhiều bệnh lý khó lường.

Tư thế sai hại ngay cột sống cổ

Đường cong sinh lý cột sống cổ giúp cân bằng lực của đầu và cho phép bạn đứng với sức cơ tối thiểu. Chúng cũng phân phối cân bằng lực giữa phía trước của từng đốt sống (nơi có các đĩa đệm) và phía sau (nơi có các khớp cột sống). Khi đường cong cột sống hướng về phía trước được gọi là ưỡn cột sống và gù cột sống khi võng về phía sau.

Khi cổ mất đường cong sinh lý bình thường, trọng lượng của đầu không còn được cân bằng dẫn đến quá tải các vị trí mà cơ bắp bám vào hộp sọ, gây đau nhức đầu, đồng thời làm tăng áp lực lên các đĩa đệm đốt sống cổ, dẫn đến thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm.

Một nghiên cứu mới còn chỉ ra: Ở những bệnh nhân bị mất đường cong sinh lý cột sống cổ, đường kính của động mạch nhỏ hơn làm giảm lượng máu lưu thông lên não dẫn đến nhiều triệu chứng bệnh lý khó lường.

Nguyên nhân dẫn đến mất đường cong sinh lý.

Ngủ sai tư thế: Người bệnh do ngủ quen trong tư thế vẹo cổ, gối đầu quá cao, hoặc trong khi ngủ bị đồ vật chèn vào cổ… lâu ngày dẫn đến các cơ cạnh cột sống phải co lại để thích nghi với tư thế ngủ đó dẫn đến các đốt sống cổ cũng bị cong vẹo theo.

Thoái hóa cột sống: Thoái hóa cột sống khiến cho cột sống bị biến dạng, mọc các gai xương, sai lệch các khớp sống… dẫn đến mất đường cong sinh lý cho cột sống cổ. Chủ yếu hay gặp ở người cao tuổi, nhưng cũng có những trường hợp gặp ở người trẻ nhưng ít hơn, thoái hóa cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên cột sống cổ bị mất đường cong sinh lý.

Ngồi sai tư thế: Hay gặp ở những người trẻ phải làm việc văn phòng, ngồi làm việc bằng máy tính thường xuyên, học sinh ngồi học sai tư thế, cũng gây nên mất đường cong sinh lý.

Chấn thương: Một số trường hợp bị chấn thương cũng dẫn đến cột sống cổ mất đường cong sinh lý. Còn lại những nguyên nhân như u xương, hay bẩm sinh thì ít gặp hơn.

Quan trọng nhất là phòng bệnh

Những trường hợp nhẹ hoặc chưa bị thì phòng bệnh là hết sức quan trọng. Với học sinh hay người làm việc văn phòng thì cố gắng ngồi đúng tư thế, với học sinh thì cần ngồi thẳng lưng giữ cho đầu cúi vừa phải, nếu phải làm việc với máy vi tính trong thời gian dài thì bạn nên vận động quay cổ mỗi 30 phút/1 lần để các cơ và đốt sống cổ được thư giãn. Không làm việc lâu trong một tư thế.

Thay đổi tư thế ngủ hợp lý: Với những người bị vẹo cột sống cổ do ngủ sai tư thế thì thay đổi tư thế ngủ rất quan trọng, một tư thế ngủ đúng với chiếc gối hợp lý vừa giúp giảm tình trạng cong vẹo cột sống cổ vừa giúp bản thân người ngủ có một giấc ngủ thoải mái không mệt mỏi khi dậy.

Với những người bị thoái hóa: Tốt nhất vẫn là vận động thể dục nhẹ nhàng cho vùng cổ, có thể nghiêng trái nghiêng phải và xoay tròn một cách nhẹ nhàng sẽ giúp vùng cổ thoải mái hơn, máu lưu thông tốt hơn, giúp giảm triệu chứng đau và giúp cột sống cổ được vận động dễ dàng hơn.

Với những người bị chấn thương, u xương thì ta nên đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ một cách tốt nhất.

Điều trị: Có rất nhiều phương pháp giúp hỗ trợ điều trị cột sống cổ mất đường cong sinh lý như ngoại khoa, thuốc Tây y hoặc Đông y, tác động cột sống, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, tập luyện… Ngoại khoa: Phẫu thuật chỉnh lại cột sống cổ hiện nay vẫn còn rất hạn chế vì đây là loại phẫu thuật khó và cần nhiều kỹ thuật cao. Dùng thuốc Tây y: Người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc chống viêm, giảm đau để hạn chế triệu chứng đau; Thuốc Đông y: Có tác dụng lưu thông khí huyết giúp giảm đau rất hiệu quả.

Tác động cột sống: Là một phương pháp giúp hỗ trợ rất tốt cho người bị cong vẹo cột sống. Xoa bóp bấm huyệt và châm cứu: Là những phương pháp cổ giúp khai thông kinh lạc, giãn cơ, chỉ thống… hỗ trợ rất tốt khi áp dụng điều trị đau do cột sống cổ cong vẹo gây ra. Tập luyện: Với những người bị cong vẹo cột sống cổ thì tập luyện thường xuyên sẽ hỗ trợ điều trị rất tốt, tập luyện và tạo thói quen để cột sống trở lại đường cong sinh lý của nó.

ThS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Mỗi năm, ít nhất 1,7 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị nhiễm khuẩn huyết. Ít nhất 350.000 người lớn bị nhiễm khuẩn huyết tử vong trong thời gian nằm viện hoặc chuyển sang chăm sóc cuối đời. Vì vậy, cần biết về bệnh để phòng tránh.
back to top