Nhiều người trẻ nghiện mạng xã hội. Ảnh minh họa |
PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM cho biết, cả nước có gần 270 mạng xã hội đã được cấp phép hoạt động, số người dùng là hơn 64 triệu. Việt Nam đã vươn lên đứng top trên thế giới về sử dụng mạng xã hội, trong đó người trẻ chiếm tỷ lệ cao.
“Việc xem mạng xã hội như một công cụ chia sẻ thông tin, thông qua mạng xã hội đã kết nối giữa nhà trường với sinh viên là đều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mạng xã hội còn có những tiêu cực. Chúng ta nên sử dụng mạng xã hội như thế nào để tận dụng hết lợi ích mang lại mà hạn chế những tiêu cực” – TS Nguyễn Minh Hà đặt vấn đề.
Theo nhà báo Lý Thành Tâm, Trưởng đại diện Báo Tiền Phong tại TPHCM, nhiều mặt trái của mạng xã hội đang ngày làm thay đổi con người chẳng hạn như tuyên truyền văn hóa đồi trụy, câu like để bán hàng, làm người nổi tiếng… Nhiều người dùng mạng xã hội thậm chí không cần đọc, không cần hiểu mà vẫn cứ share, bình luận, like theo số đông, dần dần số đông quyết định nên chuẩn mực xã hội hội, đạo đức bị thay đổi...
TS tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ, người trẻ cuồng like, và những câu chuyện đau lòng từ những cái nhấp like. Có những trạng thái tiêu cực như: Có 1.000 like sẽ đốt trường, có từng này like sẽ tưới xăng đốt người... lại thu hút rất nhiều like. Nhưng khi ông hỏi các bạn trẻ, nhiều em nói like không phải vì thích mà like... "cho nó chết".
Ứng xử trên mạng xã hội là vấn đề của giới trẻ hiện nay. Ảnh minh họa |
Thiếu tá, TS xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường ĐH An ninh nhân dân cho biết, khi tham gia vào mạng xã hội sẽ tạo ra cho con người những cảm giác thỏa mãn, tạo nên giá trị ảo, ganh tỵ, ném đá…Ngoài ra còn tạo ra các hiếu kỳ, tò mò xâm phạm đời tư, hành vi lệch chuẩn… nguy hiểm hơn là tạo ra một căn bệnh hoang tưởng.
Thực tế, hiện nay đang có một lực lượng không nhỏ người dùng mạng xã hội không phân biệt được tin tốt – xấu, không biết kiểm chứng nguồn tin nên dễ dàng bị lôi kéo, kích động bởi những thông tin trái chiều cố ý.
Vì thế, ông Lâm đã chia sẻ những quy tắc nên có khi tham gia mạng xã hội như: Nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng; tế nhị tôn trọng người khác; hãy nhớ rằng những gì chia sẽ trên mạng xã hội là một sự phản ánh của con người bạn hay tính cách, lối sống của bạn; nhận diện và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải...
Ngoài ra, người dùng cũng nên có kỹ năng về kiểm soát bản thân, tránh “nghiện” mạng xã hội cũng như xác định rõ mục tiêu khi sử dụng mạng xã hội.