Mắc bệnh vì bồi bổ sai cách

(khoahocdoisong.vn) - Mùa hè dương khí vượng, trời nắng nóng, có thể thích đồ mát lạnh nên nhiều người tích cực ăn hoa quả, bồi bổ đồ mát lạnh... để tăng cường sức khỏe nhưng không ngờ lại bị mắc bệnh.

Ăn sai hại tỳ vị 

TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, mỗi mùa hè ông đều khám và điều trị cho khá nhiều người bị bệnh vì ăn uống không đúng cách.

Chẳng hạn, vừa có bệnh nhân (55 tuổi, Hà Nội) mùa hè nóng bức không muốn ăn cơm nên tích cực bồi bổ hoa quả. Bữa đó, thấy vải ngon, bà ăn nửa chùm vải to sau đó người mệt mỏi, khó chịu... Bà đi khám thì đường huyết tăng cao, trong khi trước đó đường huyết của bà ở mức 4 - 5mmol/l, hoàn toàn bình thường. Sau khi hỏi về chế độ ăn uống, TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng đã tư vấn cho bà, tạm giảm các thức ăn có đường, ăn uống cân bằng ngũ vị, ngũ sắc để cơ thể tự đào thải, điều chỉnh. Sau 2 tuần đường huyết đã về bình thường mà không phải uống thuốc.

Có bệnh nhân trẻ bị đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, ăn uống khó tiêu... lại thích ăn đồ mát lạnh như dưa hấu, củ đậu, kem, chè... TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng cho biết, cơ thể cô thuộc thể hàn, lại ăn quá nhiều đồ mát lạnh nên bị bệnh hàn chứng mạn tính điều trị khó khăn và lâu dài.

Ngược lại, có một bệnh nhân thể nhiệt lại thích ăn và ăn nhiều mít, dứa... nên bị chảy máu ngoài da, xuất hiện nhiều mảng thâm tím khắp cơ thể. Nguyên nhân theo Đông y, thời tiết nóng lại ăn nhiều đồ nóng khiến huyết bị báng loạn, làm căng mạch máu, nhẹ thì rôm sẩy, mẩn ngứa... nặng thì gây xuất huyết ngoài da...

Ngoài ra, còn rất nhiều người bệnh nhẹ thì tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu, viêm họng và ho... nặng hơn thì mắc các bệnh về nhiệt chứng, hàn chứng mạn tính...

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền phân tích, mùa hè là mùa dương khí vượng nhất trong năm, thời tiết nóng bức và ẩm thấp. Quá trình trao đổi chất diễn ra mạnh mẽ, dương khí phát ra ngoài, âm khí tiềm phục ở trong. Các lỗ chân lông giãn rộng, mồ hôi tiết ra nhiều để điều hòa thân nhiệt nhưng cũng vì thế mà tà khí dễ xâm nhập vào trong. Hệ thống mao mạch ngoại vi cũng giãn ra, khí huyết lưu thông nhanh và mạnh hơn. Công năng của tỳ vị có xu hướng suy giảm vì nóng bức, uống nhiều làm cho dịch vị bị pha loãng, quá trình tiêu hoá và hấp thu thức ăn dễ bị rối loạn. Bởi vậy, mùa hạ nếu ăn uống sai sẽ hại đến tỳ vị và gây bệnh.

Cân đối thể trạng nhưng không được lạm dụng

TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng cảnh báo, dân ta hay có thói quen “thanh nhiệt, giải thử” chọn đồ ăn, thức uống mát lạnh trong mùa hè nhưng lại không biết rằng, mùa nóng tuy dương khí vượng thịnh ngoài, nhưng khí âm lại tiềm ẩn bên trong cơ thể, vậy nên “trời tuy nóng chớ ham mát, dưa tuy ngon chớ ăn nhiều”. Muốn khỏe mạnh, phải biết bồi bổ ăn uống theo thể chất, để quân bình âm dương giúp cơ thể chống lại bệnh tật.

Mỗi người có một thể trạng riêng. Khi hiểu được bản thân thuộc thể trạng: Hàn, nhiệt, hay trung bình để có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Chẳng hạn, người thể hàn nên ăn thực phẩm ôn, ấm nhưng cũng không nên lạm dụng những thực phẩm mang tính nhiệt vì nếu ăn nhiều cũng sẽ gây mất quân bình, lâu ngày sẽ hóa hỏa, hóa phong, sinh bệnh. Hay mùa hè tùy nóng nhưng nếu người thể hàn ăn uống đồ mát lạnh, đã hàn lại càng hàn sẽ sinh hàn chứng... Tương tự như vậy, đối với người thể nhiệt lại ăn nhiều đồ cay nóng, mít, dứa... hoặc bồi bổ quá nhiều đồ mát lạnh cũng có thể dẫn tới bệnh chứng.

Theo TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng, mỗi ngày cơ thể cần hấp thu đủ ngũ vị, ngũ sắc nhưng có chừng mực. Rau quả rất cần thiết nhưng có thể cũng không tiếp thu được nhiều nên liều lượng cần vừa phải, tránh lạm dụng quá mức, đặc biệt là đối với trẻ em, người già và những người tỳ vị hư yếu dễ bị lạnh bụng, đi lỏng. Không nên uống nước đá, ăn đồ lạnh nhất là khi vừa đi nắng về. Khi ăn, cần lắng nghe cơ thể, nếu thấy có bất kỳ phản ứng nào không tốt, nghĩa là thực phẩm đó không phù hợp với thể tạng, cần phải có sự điều chỉnh và cân đối trong nguyên liệu và chế biến.

Vào mùa hè, ngoài uống nhiều nước, thì rất cần thiết bổ sung hoa quả tươi có tính giải nhiệt, giàu vitamin C, giàu sắc tố không bão hoà và tan trong nước (đỏ, xanh dương, đen, tím).

Các loại quả ăn rất tốt như đào, mận, lê, nho, dưa hấu, thanh long, ổi. Rau có thể chọn mướp, mướp đắng, mồng tơi, rau đay, bắp cải, cần tây, cải xoăn, rau dền và các loại rau và dưa có màu xanh đậm khác. Người lớn tuổi hệ tiêu hóa kém, ăn rải rác chứ không nên ăn quá nhiều rau quả một lúc, hạn chế ăn lạnh buổi tối dễ gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top