Trước đó, người đàn ông mua thuốc kháng sinh, hạ sốt, long đờm nhưng tình trạng không cải thiện nên đi khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy bạch cầu máu tăng cao, trong đó tăng chủ yếu thành phần bạch cầu ưa acid kèm theo tổn thương phổi. Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm phổi, viêm gan B và dương tính với giun đũa, giun lươn.
Ảnh minh hoạ |
BS.CKI Đặng Thị Thu Phương, Phó Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết bệnh nhân mắc hội chứng Loeffler (LS), một bệnh hô hấp hiếm gặp xảy ra sau khi nhiễm ký sinh trùng.
Hội chứng Loeffler (LS), được đặc trưng bởi thâm nhiễm phổi di chuyển và tăng bạch cầu ái toan ngoại biên. Có thể gặp các tổn thương trên da giống như sợi chỉ có màu da đến ban đỏ với nhiều kích cỡ khác nhau.
Triệu chứng tại phổi hay gặp như ho, khò khè, khó thở. Biểu hiện tại phổi có thể nhẹ thoáng qua, có trường hợp lại xuất hiện các triệu chứng nặng rầm rộ như khò khè, khó thở. Bệnh nhân có thể sốt hoặc không sốt.
Căn nguyên của hội chứng Loeffler chủ yếu được cho là do phản ứng dị ứng đối với sự di chuyển qua phổi của ấu trùng giun sán, cụ thể là giun đũa (A. lumbricoides), giun móc và giun lươn…
Ở thể nhẹ thoáng qua bệnh nhân thường không cần điều trị và tự khỏi. Các trường hợp khác có thể được điều trị bằng các thuốc tẩy giun sán và cho hiệu quả tốt.
Cách phòng tránh bệnh là vệ sinh cá nhân và vệ sinh ăn uống sạch sẽ, tẩy giun sán định kỳ.
Theo các chuyên gia y tế, nhiễm giun sán là một trong những bệnh nhiễm ký sinh trùng phổ biến nhất trên toàn thế giới. Ngày nay, khi đời sống được nâng cao, bệnh nhiễm ký sinh trùng tưởng như hiếm gặp, nhưng thực tế vẫn có những câu chuyện khiến nhiều người khó tin.
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, BSCK I Phạm Thị Việt Anh, Phó Trưởng khoa nội tiêu hóa – Bệnh viện 198 cho biết, Việt Nam nằm trong đới khí hậu nhiệt đới có gió mùa hoạt động quanh năm. Nhờ có khí hậu nóng ẩm nên thuận lợi cho sự phát triển giun sán, kèm theo đó là nguồn động thực vật phong phú ở môi trường sống góp phần giúp giun sán có nhiều ký chủ để lựa chọn hơn. Cộng với việc ý thức vệ sinh cá nhân và vệ sinh cộng đồng chưa tốt, đã tạo điều kiện cho mầm bệnh giun sán lan tràn rộng rãi.
Giun sán lây truyền qua tiếp xúc đất, qua trứng giun, và qua tiếp xúc phân người bị nhiễm giun. Giun trưởng thành sống trong ruột người và đẻ ra hàng ngàn quả trứng mỗi ngày. Ở những khu vực vệ sinh kém, những quả trứng này làm ô nhiễm đất, từ đó trứng vô tình được đưa vào cơ thể con người theo nhiều cách khác nhau.
Khi mắc bệnh giun sán, dấu hiệu sớm nhất sẽ xuất hiện tại hệ tiêu hóa gây nên rối loạn tiêu hóa như bị tiêu chảy hoặc táo bón, đau bụng, nôn ra giun sán hoặc đại tiện ra giun sán. Một số trường hợp nặng người bệnh sẽ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, nhược sắc… Bệnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh khác phát triển như thiếu vitamin, sốt rét, kiết lỵ, lao phổi... do sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút.
BS. Phạm Thị Việt Anh cũng cho biết, khi bị nhiễm giun sán, thông thường bệnh nhân có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên trong những trường hợp nhiễm giun sán mà có những biến chứng nặng như tắc ruột, lồng ruột, viêm ruột thừa, thủng ruột, viêm phúc mạc, tắc ống dẫn mật, nhiễm trùng ống dẫn mật, viêm tụy tạng, xơ gan cổ trướng, u gan, áp-xe gan... thì cần phải được điều trị tại các cơ sở y tế.