30% trẻ sơ sinh mắc thủy đậu tử vong, cách gì phòng tránh?

Thủy đậu ở trẻ sơ sinh là bệnh truyền nhiễm cấp tính vô cùng nguy hiểm, với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan. Cần phát hiện và điều trị sớm.

Thủy đậu ở trẻ sơ sinh, đặc biệt trường hợp trẻ dưới 1 tháng tuổi bị thủy đậu vô cùng nguy hiểm, do sức đề kháng của trẻ còn yếu, bệnh lây lan nhanh dễ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh (hay còn gọi bệnh trái rạ ở trẻ sơ sinh) là bệnh truyền nhiễm cấp tính vô cùng nguy hiểm, gây ra bởi virus thuộc họ Herpes virus, có tên khoa học là Varicella Zoster (VZV).

Virus này có thể lây truyền từ mẹ sang con qua bánh rau khi mang thai hoặc trẻ mắc phải sau sinh do tiếp xúc với với người chăm sóc bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.

Thời gian vừa qua, Khoa Da liễu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận một số bệnh nhi sơ sinh vào viện với các biểu hiện sốt nóng từng cơn, quấy khóc nhiều, nổi mụn nước, phỏng nước hình cầu chứa dịch trong nổi cao trên da, to bằng hạt đậu xanh lan rải khắp toàn thân. Các bệnh nhi được chẩn đoán thuỷ đậu sơ sinh.

Thủy đậu sơ sinh thường biểu hiện nặng và nhiều biến chứng hơn, nguy cơ tử vong cao, do vậy trước đây, các trường hợp thuỷ đậu ở trẻ sơ sinh thường có chỉ định chuyển tuyến trên điều trị.

Hiện nay, với sự phát triển chuyên môn, kỹ thuật tại bệnh viện, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa, trẻ sơ sinh mắc thuỷ đậu đã được điều trị tích cực, ổn định sức khoẻ, ra viện chỉ sau 1 tuần điều trị ngay tại tỉnh mà không phải chuyển tuyến trên.

Trẻ sơ sinh bị thủy đậu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng sơn - Ảnh BVCC

Trẻ sơ sinh bị thủy đậu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng sơn - Ảnh BVCC

Theo các bác sĩ, người mẹ bị thủy đậu khi mang thai, thai nhi sinh ra sẽ mang mầm bệnh trong cơ thể. Khi có điều kiện thuận lợi, bệnh sẽ phát triển. Đặc biệt với những mẹ bầu bị thủy đậu trong ba tháng đầu thai kỳ, thai nhi có nguy cơ cao gặp các bất thường về sức khỏe như: Dị dạng ở sọ, hội chứng đầu nhỏ, đa dị tật ở tim....

Bên cạnh đó, mẹ bị thủy đậu cho con bú hoặc người thân bị thủy đậu rất dễ lây cho bé khi bế, tiếp xúc với trẻ do lây qua đường hô hấp và tiếp xúc da. Khi mẹ hoặc người thân gặp bất cứ vấn đề sức khỏe nào, cần ngay lập tức cách ly với trẻ, ngừng việc cho con bú để tránh lây nhiễm virus thủy đậu ở trẻ sơ sinh.

Để phòng ngừa thủy đậu ở trẻ sơ sinh, bác sĩ khuyến cáo mẹ nên tiêm phòng vắc xin thuỷ đậu trước khi mang thai từ 3 - 6 tháng. Kháng thể trong virus từ mẹ có thể truyền sang thai nhi qua đường máu. Khi bé chào đời, kháng thể tiếp tục được truyền từ mẹ sang con qua sữa mẹ, sẽ giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi nguy cơ mắc bệnh thuỷ đậu trong năm đầu đời.

Mẹ đang cho con bú bị thủy đậu, cần tạm dừng cho con bú cho đến khi khỏi bệnh. Cách ly mẹ với con, không ôm ấp, nằm cạnh con. Người thân mắc thủy đậu cần hạn chế tiếp xúc với trẻ để tránh lây truyền bệnh.

Trường hợp phụ nữ mang thai chưa tiêm phòng thủy đậu, cần bảo vệ mình trước nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt trong ba tháng đầu và ba tháng cuối của thai kỳ.

Khi trẻ đủ 12 tháng tuổi, cha mẹ có thể cho trẻ tiêm phòng vắc xin thủy đậu theo lịch tiêm chủng của cơ sở y tế.

Bệnh thủy đậu là bệnh lý nguy hiểm, có thể để lại biến chứng nếu như không được thăm khám và chăm sóc tốt. Vì thế khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh thủy đậu thì các bậc cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa để thăm khám và điều trị.

Trẻ sơ sinh là nhóm đối tượng nguy cơ cao thủy đậu tiến triển thành các biến chứng vô cùng nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng và ảnh hưởng đến tương lai sau này của trẻ.

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ, trẻ có thể gặp nguy hiểm, với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan.

Do vậy, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh thủy đậu cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa để thăm khám và điều trị.

BS Mông Tuấn Hùng (khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn)

Theo VietnamDaily
back to top