Đối với các bệnh lý cột sống, chỉ định phẫu thuật phụ thuộc vào khám định khu triệu chứng, điều trị bảo tồn thất bại (ở đây là điều trị chính thống trong 4 - 6 tuần chứ không phải theo các phương pháp dân gian).
Bản chất của các phẫu thuật là sự đánh đổi: Đánh đổi nguy cơ chèn ép, mất chức năng của thần kinh lấy các nguy cơ (ít gặp hơn) như đau lưng sau mổ, tê bì, thoái hóa đốt liền kề...
Thực tế kỹ thuật và các hệ thống hỗ trợ trong mổ khiến vấn đề tổn thương thần kinh là gần như không có. Trừ trường hợp để chèn ép quá lâu, mất chức năng của thần kinh hoặc lạm dụng chỉ định, đưa ra phẫu thuật không đúng với triệu chứng.
Mục đích của phẫu thuật là hàn xương và làm vững cột sống, trả lại chiều cao của đĩa đệm, giải phóng chèn ép thần kinh, tái cấu trúc về cân bằng các đường cong sinh lý cột sống.
Những người còn ít tuổi khi tiến hành phẫu thuật nẹp vít sớm quá cũng sẽ phải đối diện với những nguy cơ kể trên và các tỷ lệ khớp giả, gãy vít, bong nẹp... Tuy nhiên, nếu chỉ giải ép đơn thuần thì cũng có nguy cơ thoát vị tái phát nhất định.
Vì vậy trước khi tiên hành phẫu thuật, nên cân nhắc mấy việc:
- Mình đã được chẩn đoán đúng tình trạng bệnh hay chưa (chẩn đoán phải được tiến hành bởi bác sĩ chuyên khoa chứ không được tự hỏi google, facebook rồi tự chẩn đoán bệnh cho mình).
- Cần biết về lộ trình điều trị: Thời gian, thứ tự, cách theo dõi, đã phải phẫu thuật hay chưa?
- Nếu chưa phải phẫu thuật, hãy coi đó là một cơ hội để thay đổi thói quen sinh hoạt và sống trách nhiệm với bản thân hơn.
- Nếu đã có chỉ định phẫu thuật thì nên tuân thủ tuyệt đối chứ không nên cố trì hoãn.
- Xu thế của thế giới là các phẫu thuật ít xâm lấn, thời gian nằm viện ngắn và độ an toàn cao. Đừng quá lo lắng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và hoang mang cho gia đình. Cẩn thận luôn không thừa, nhưng thái quá thì vô cùng áp lực.
BS Trần Trung Kiên (Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)