Phẫu thuật cột sống bằng robot

(khoahocdoisong.vn) - Thay vì mổ bằng tay với vết mổ lớn, lần đầu tiên tại tuyến tỉnh bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã tiến hành phẫu thuật bắt vít cột sống bằng robot. Công nghệ này không chỉ giúp giảm đau cho bệnh nhân mà độ chính xác cao tránh tổn hại dây thần kinh.

Giảm đau ngay sau mổ

Chị Trương Thanh Bình (nữ, 43 tuổi, Hạ Hòa, Phú Thọ) bị đau cột sống từ hơn 10 năm nay. Cách đây 4 năm chị đi khám tại Bệnh viện Hữu nghị Viện Đức đã có chỉ định mổ nhưng vì sợ, nên chị chưa mổ. Gần đây, đau quá chị đi khám lại các bác sĩ khuyên mổ sớm nhất có thể bởi đã ở giai đoạn tê và teo sẽ dẫn tới liệt. Trên hình ảnh X-quang và cộng hưởng từ cho thấy, chị bị hẹp ống sống L4-L5. Ngày 28/9, chị là người đầu tiên được các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ áp dụng robot vào mổ để định vị chính xác vị trí bắt vít cột sống L4, L5. Sau mổ 2 ngày, chị đã khỏe trở lại và ngồi được, dự kiến suất viện sau 10 ngày.

Sau 2 ngày phẫu thuật bệnh nhân đã có thể tập đi lại được

Sau 2 ngày phẫu thuật bệnh nhân đã có thể tập đi lại được

TTƯT.TS.BS Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, bệnh nhân được tiến hành mổ dưới sự hướng dẫn và điểu khiển của cánh tay robot, nếu như trước đây, để bắt 4 vít, với một phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm cần 1 tiếng 30 phút. Nay với hướng dẫn của robot, bắt 4 vít chỉ diễn ra trong vòng 30 phút. Đặc biệt, sử dụng robot sẽ giảm những tổn thương không cần thiết đến các vùng mô và tế bào xung quanh. Do đó, người bệnh sẽ tránh được những rủi ro trong phẫu thuật, giảm nguy cơ phải mổ lại, mất máu ít hơn, ít sẹo hơn, ít đau hơn, hồi phục nhanh hơn.

Tránh tổn thương dây thần kinh gây liệt

Theo TTƯT.TS.BS Nguyễn Văn Sơn, phẫu thuật cột sống là một phẫu thuật khó, đòi hỏi tay nghề cao vì thường dễ bị tổn thương các dây thần kinh để lại các di chứng nặng nề, thậm chí bệnh nhân liệt hoàn toàn. Trong các phương pháp mổ mở truyền thống, thường có vết mổ dài để dễ dàng quan sát và thao tác kỹ thuật. Phương pháp này thường kéo theo các di chứng như sẹo lớn, các tế bào bị tổn thương nhiều, mất nhiều máu, cấu trúc phần mềm và cột sống thay đổi nên có một số biến chứng dễ xảy ra như nhiễm trùng và mất máu.

Lập trình mổ bằng robot đảm bảo độ chính xác

Lập trình mổ bằng robot đảm bảo độ chính xác 

Phương pháp mổ ít xâm lấn tuy vết mổ nhỏ hơn nhưng kèm theo đó các bác sĩ sẽ bị giới hạn khoảng nhìn trong vùng cần thao tác, do vậy phải chụp nhiều X-quang để quan sát. Việc phát tia X nhiều sẽ có nguy cơ cho cả bác sĩ và bệnh nhân. Đặc biệt, khi thực hiện các kỹ thuật vít...vẫn dựa vào kinh nghiệm của bác sĩ nên không tránh khỏi tình trạng vít lệch hoặc vào ống sống gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Trên thế giới tỷ lệ bị tổn thương dây thần kinh khi thực hiện mổ ít xâm lấn vẫn cao 2%, có người bị xương sống biến dạng, dị hình... 

Do đó, việc sử dụng robot trong khi tiến hành mổ ít xâm lấn với độ chính xác cao (99,7%)  không chỉ giúp bệnh nhân an toàn, giảm rủi ro trong phẫu thuật, giảm đau, ít gây sẹo, phục hồi nhanh. Đặc biệt, với độ chính xác cao và ổn định nên cho dù bệnh nhân có cấu trúc xương sống phức tạp do bị dị hình hoặc vẹo thì vẫn đảm bảo an toàn.

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Chủ tịch Hội Chấn thương Chỉnh hình Đông Nam Á cho biết, kỹ thuật này được ứng dụng không chỉ trong bắt vít cột sống, bơm sinh măng sinh học, phẫu thuật vẹo cột sống mà cả giúp sinh thiết một cách chính xác và an toàn nhất. Từ năm 2001, áp dụng phẫu thuật robot định vị cột sống trên thế giới chưa có trường hợp nào gây tổn thương vĩnh viễn dây thần kinh...

Theo Đời sống
back to top