Thoái hóa cột sống được coi là bệnh nan y. Tại Việt Nam, có tới 80% người trên 50 tuổi mắc các bệnh lý xương khớp trong đó thoái hóa cột sống chiếm tỉ lệ tương đối lớn.
Tuổi cao dễ đau lưng
Theo nhiều nghiên cứu, cứ 5 người có 4 người mắc chứng đau cột sống ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nhẹ thì chỉ đau lưng, đau cổ; vừa thì xuất hiện những cơn đau cấp tính, đau không di chuyển, ăn ngủ được; nặng thì tê bì, yếu chân tay, tiểu tiện không tự chủ.
GS.TS.BS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học VN cho biết, thoái hóa cột sống sẽ tiến triển nặng dần theo tuổi và khi có sự tác động của một số yếu tố nguy cơ như: mang vác quá nặng, tập luyện quá sức hoặc không đúng tư thế …Tuổi càng cao càng dễ bị các cơn đau lưng hành hạ có thể do thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh tọa hoặc gai đốt sống. Người trẻ hoặc trung tuổi thường do lão hóa và trượt đĩa đệm.
Biểu hiện của mắc bệnh cột sống giai đoạn đầu là người bệnh mất dần sự cân bằng vốn có. Đường cong sinh lý tự nhiên của cơ thể bị biến đổi làm gia tăng áp lực lên các bộ phận xung quanh xương sống như đĩa đệm, khớp, dây thần kinh. Nếu được phát hiện và điều trị sớm ngay từ giai đoạn này, tình trạng thoái hóa cột sống sẽ được cải thiện tối đa. Ở giai đoạn sau, người bệnh có thể đau, nhức, căng thẳng và mệt mỏi. Nhiều người phát hiện gai cột sống, hẹp đĩa đệm, người bệnh thấy giảm chiều cao, hạn chế chuyển động. Giai đoạn nặng nhất, người bệnh teo cơ do dây thần kinh bị chèn ép lâu ngày, viêm cột sống dính khớp, cột sống biến dạng và bắt buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Ngăn ngừa biến chứng nặng
Thoái hóa là căn bệnh của tuổi tác và do thói quen lao động, sinh hoạt không điều độ, ít tập luyện…Theo các chuyên gia, ở giai đoạn đầu, khi các cơn đau ít hoặc mới ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng phương pháp vận động nhẹ nhàng, tập thể dục vừa phải để cải thiện và ngăn ngừa bệnh tiến triển. Nếu bệnh chuyển nặng, các cơn đau xuất hiện dữ dội và liên tiếp nhiều ngày, bệnh nhân có thể điều trị thoái hóa cột sống theo triệu chứng bằng cách sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ..., kết hợp với các thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm theo chỉ định của bác sĩ.
Cũng có thể phối hợp các biện pháp điều trị nội khoa, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng bằng cách hạn chế các tác động cơ giới quá mức lên cột sống. Hiện nay các xét nghiệm hình ảnh X-quang hoặc MRI khá chính xác. Hình X-quang có thể giúp bác sĩ thấy toàn bộ cấu trúc xương sống và phát hiện ra được những vấn đề như hẹp ống sống, gai cột sống, biến dạng xương hoặc viêm xương khớp. Chụp MRI có hiệu quả hơn X-quang vì có thể chụp được cả các mô mềm, nhờ đó xác định chính xác các vấn đề nghiêm trọng như phình đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, có thể đánh giá mức độ chèn ép của các đĩa đệm thoát vị hoặc gai cột sống lên dây thần kinh và tủy sống. Việc điều trị sớm giúp đảo ngược được tiến trình điều trị bệnh, hiệu quả điều trị cao.
Box: Khi thấy đau lưng, đi lại, cúi ngửa khó khăn tốt nhất nên nằm nghỉ, thư giãn. Khi nằm thỉnh thoảng đảo người để máu lưu thông. Nếu có điều kiện có thể chườm nóng và xoa bóp. Bên cạnh các biện pháp luyện tập nên tăng cường dinh dưỡng cho các đốt sống bằng các loại thuốc giúp tăng cường lưu thông máu nuôi dưỡng đến các đốt sống. Thường xuyên bổ sung canxi, magie, glycin và vitamin...để phục hồi và tăng cường độ chắc khỏe của xương, làm chậm quá trình lão hóa.