Yên tâm với mọi nhiệm vụ được giao
Gia nhập quân đội năm 17 tuổi, ông được cử đi học nghề cơ điện chuyên ngành máy móc ô tô. Sau gần 2 năm đào tạo, ông về đội xe cơ giới D14 pháo mặt đất chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị từ năm 1972.
Ông tâm sự: “Thời gian diễn ra chiến dịch 81 ngày đêm ở Quảng Trị vào mùa mưa nên mỗi khi hành quân di chuyển trận địa trên nền đường đất nhão nhoét, xe kéo pháo rất hay bị pa-ti-nê, trơn trượt, chết máy”.
Ông Vinh (trái) và tác giả bên khoảnh ruộng trước sân nhà.
Vốn là “học trò” không ngại khó ngại khổ, chịu khó thực hành nên ông sớm trở thành một “chuyên gia” về “điều trị bệnh” cho những chiếc xe đủ loại có xuất xứ từ Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Ru-ma-ni… và những sự cố đó đều được ông khắc phục kịp thời góp phần để đơn vị nhanh chóng đưa pháo vào trận địa tham gia tác chiến đúng giờ “G”.
Miền Nam giải phóng, đơn vị của ông được lệnh ra nhận nhiệm vụ bảo vệ Quần đảo Trường Sa. Với nhiều thành tích trong chiến đấu, ông được chọn cử đi đào tạo sĩ quan chính trị. Kết thúc khóa học, ông lại được cử về đơn vị cũ nhưng với nhiệm vụ mới Chính trị viên đại đội và sau đó là Chính trị viên tiểu đoàn pháo bờ biển bảo vệ đảo Sơn Ca, Nam Yết… gần 10 năm.
Năm 1999, ông xuất ngũ về địa phương với quân hàm đại úy, được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen do có nhiều thành tích trong chiến đấu và công tác.
Vui vẻ nhận nhiệm vụ mới ở địa phương
Xuất ngũ về quê, ông được đảng viên tín nhiệm bầu vào cấp ủy và trúng Bí thư Chi bộ bởi mọi người biết ông đã từng là chính trị viên quân đội nhiều năm thì không thể không làm bí thư chi bộ thôn. Nhưng ông vẫn lo lắng bởi ông rất hiểu về sự khác biệt giữa môi trường quân đội với dân sự.
Lo lắng nhưng ông yên tâm tin tưởng, chủ động nắm bắt tình hình thông qua trưởng thôn, các tổ chức Cựu Chiến binh, Phụ nữ, Người Cao tuổi… từ đó đưa ra ý kiến chỉ đạo tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp với tình hình cụ thể đạt hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của quần chúng nhân dân và các hội viên.
Đến nhiệm kỳ đại hội Hội Cựu chiến binh xã, ông lại được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội từ năm 2005 đến nay.
Ông chia sẻ, làm một việc đã chiếm hết nhiều thời gian, nay thêm việc càng phải thêm nhiều thời gian nên việc đồng áng chăm sóc cho hơn 3 sào ruộng khoán với khoảnh ruộng lúa, ao cá trước nhà, ông cũng phải sắp xếp thời gian cùng ra đồng với người vợ đảm đang hiền thảo. Không những thế, ông còn tranh thủ lúc rỗi đưa đón 5 đứa cháu nội ngoại đi học, dành thời gian chơi với cháu để chúng nó không “quên” ông.
Ông tâm sự: “Khi việc chân tay, lúc việc trí óc nên mọi hoạt động được hài hòa, chưa cảm thấy sự trì trệ, ngại việc… Có lẽ một phần cũng do tư tưởng vui vẻ lạc quan thoải mái mà ông có được sau nhiều năm rèn tập”.
Gặp ông quần xắn ngang ống chân với cái cuốc trên vai, nước da còn vương nắng gió cùng nụ cười hiền lành thân thiện, người mới gặp không nghĩ ông là Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh đã và đang đóng góp nhiều công sức cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ở quê nhà.
Khúc Văn Quý (Hà Nội)