Thức ăn ngoài giá trị dinh dưỡng còn có tính năng đặc biệt chủ động phòng và điều trị bệnh. Từ xa xưa loài người đã nhận biết có nhiều loại cây xanh, thực phẩm rau quả nguồn gốc thực vật tự nhiên, có thể bảo vệ con người, chống được nhiều loại bệnh nan y.
Hiện nay, nhờ sự tiến bộ của kỹ thuật phân tích và thực nghiệm chính xác của nhiều ngành khoa học có liên quan, các nhà khoa học đã và đang phát hiện nhiều thành phần hóa thực vật có hoạt tính sinh học quý, có thể phòng bệnh mạn tính và ung thư.
Ăn nhiều rau quả giúp phòng chống bệnh mạn tính và ung thư.
Sulforaphan và các chất isothiocyanat:
Loại hoạt tính sinh học có tác dụng phòng bệnh ung thư này có trong các cây thuộc họ chữ thập như: cải bắp, cải bông xanh, súp lơ, cải xoăn, cải làn, cải củ, xà lách, cải xoong, cải bắp, xu hào…
Chúng có chức năng điều hòa tác động của hóa dự phòng trên động vật thử nghiệm, do khả năng tác động đến enzym chuyển hóa thuốc.
Epigalocatechin và epigallocatechin gallat:
Hoạt chất có tác dụng giảm bệnh ung thư và bệnh tim này có trong chè xanh, trà cổ thụ Suối Giàng.
Chức năng và cơ chế của nó là ức chế quá trình phát sinh và tiến triển của ung thư, tăng hoạt tính chống oxy hóa, khử các gốc tự do, bảo vệ màng tế bào khỏi tác động oxy hóa của các gốc tự do.
Carotenoid:
Có tác dụng giảm bệnh mạch vành và ung thư có trong các thực phẩm như: gấc, cà chua, cà rốt, khoai lang, nghệ, đu đủ…
Hoạt chất này có tác động chống oxy hóa là các chất quét loại các gốc tự do ra khỏi cơ thể, thúc đẩy sự phát triển và thông tin giữa các tế bào ức chế sự tăng sinh bạch cầu nguyên tủy bào cấp.
Lactofemin:
Có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch và là tác nhân diệt khuẩn, tiêu diệt các vi khuẩn, virus gây bệnh… làm lành vết loét dạ dày, ruột. Hoạt tính này có nhiều trong sữa.
Nó có chức năng kích thích sự giải phóng bạch cầu trung tính polypeptit interleukin 8 từ bạch cầu nhân đa hình (PMN) của cơ thể, chất kháng sinh nội sinh có thể hỗ trợ bạch cầu diệt các vi sinh vật xâm nhập cơ thể, tăng tế bào T phụ thuộc vào hoạt tính của tế bào NK (tăng sức mạnh cho tế bào tiêu diệt ung thư – PV), ức chế sự di trú tế bào của dòng tế bào dạ dày ruột…
Acid linoleic liên kết (ghép đôi):
Có tác dụng phòng bệnh ung thư và vữa xơ động mạch. Hoạt chất này có trong các sản phẩm sữa.
Chức năng và cơ chế tác động của nó là ức chế phát triển tế bào ung thư bằng tác động tới hormon, điều hòa sự tạo phân bào, giảm LDH cholesterol, giảm tỷ lệ HDL – cholesterol và cholesterol tổng số tác động tới tỷ lệ HDL – cholesterol trên thỏ.
Genestei, daidzein và các isoflavon khác:
Có tác dụng giảm triệu chứng thời kỳ mãn kinh, loãng xương, ung thư và bệnh tim. Hoạt chất này có nhiều trong đậu tương và các sản phẩm chế biến.
Nó có chức năng ức chế phát triển dòng tế bào ung thư vú, giảm cholesterol huyết tương tổng số, LDL – cholesterol và triglycerid (mỡ máu xấu gây bệnh).
Diallyl disulfod và allicin:
Hoạt chất này có tác dụng phòng ung thư, kích thích chức năng miễn dịch, quét các gốc tự do, giảm cholesterol huyết thanh và triglycerid huyết thanh. Nó có nhiều trong tỏi, hành.
Linonen:
Hoạt chất này có nhiều trong quả chua, chanh, cam, bưởi, quýt…Có tác dụng phòng ung thư. Cơ chế tác động là điều hòa tăng sinh tế bào ác tính, ức chế sự phát triển tế bào điều hòa protein.
Oligosaccharid lên men nhưng không tiêu hóa được:
Hoạt chất này có nhiều trong tỏi, măng tây, có tác dụng kích thích chức năng miễn dịch, ức chế sinh khối u, giảm cholesterol huyết thanh.
Chức năng và cơ chế tác động là: kích thích hệ thống miễn dịch, giảm nhiễm trùng, điều hòa chuyển hóa lipid.
Acid béo omega 3:
Hoạt tính sinh học của chất này là có tác dụng giảm cholesterol và bệnh tim, tác động ức chế miễn dịch. Acid béo omega 3 có nhiều trong cá, tảo…
Chức năng và cơ chế tác động là giảm cholesterol tổng số, giảm tỷ lệ HDL- cholesterol huyết thanh, ức chế các dẫn xuất của acid arachidonic…
Coumarin:
Hoạt chất này có khả năng giảm cục máu đông trong máu, chống tác nhân gây ung thư, có nhiều trong rau, quả chua, chanh, cam, bưởi, quýt…
Cơ chế tác động là chống đông, ức chế và ngăn tác động sinh hóa ung thư và gây đột biến, quét loại các gốc anion đa acid…
GS.TS Bùi Minh Đức (Viện Dinh dưỡng)