Hỏi: Tôi bị tổn thương dây chằng chéo sau, khớp mất vững, đi lại khó khăn. Tôi muốn mổ nội soi tái tạo lại dây chằng, nhưng lại sợ lấy gân tự thân sẽ hỏng khớp gối. Xin hỏi, trường hợp nào thì mới nên phẫu thuật tái tạo? Không lấy gân có phẫu thuật được?
Lê Thị Hà (Hải Dương)
TS Nguyễn Quốc Dũng, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Khớp, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108: Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo sau khớp gối là một trong những kỹ thuật điều trị thường quy. Tuy nhiên, không phải tất cả những bệnh nhân bị tổn thương dây chằng chéo sau đều phải mổ.
Chỉ định phẫu thuật cho những trường hợp: Bệnh nhân đứt dây chằng chéo sau độ II, III có biểu hiện lỏng, đau hoặc nề khớp gối; Tuổi thông thường từ 18 - 50 tuổi; Không có biến chứng thoái hóa khớp nặng, không hạn chế gấp duỗi gối, không nhiễm khuẩn khớp.
Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo sau khớp gối được tiến hành hoàn toàn qua nội soi. Thời gian cuộc mổ kéo dài khoảng 60 - 90 phút. Dây chằng bị đứt có thể được thay thế bằng chính gân lấy từ bệnh nhân, thông thường là gân Hamstring, việc lấy gân hầu như không ảnh hưởng đến chức năng khớp gối. Ngoài ra, có thể sử dụng gân đồng loại (gân của người khác, đã được xử lý, bảo quản đông lạnh), gân đồng loại có giá trị như gân tự thân, nhưng nguồn cung cấp hạn chế và giá thành cao.