Làm gì để không nhiễm ký sinh trùng từ chó, mèo?

Nhiều người có thói quen ôm ấp chó mèo, thậm chí còn ngủ cùng chó, mèo, việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm ký sinh trùng từ những động vật này.

Mới đây, chị D. (40 tuổi, Hưng Yên) đi khám trong tình trạng hay xuất hiện những cơn ngứa, nhiều vết trầy xước trên da, nhiễm trùng kèm nhiều vết ngoằn ngoèo như giun bò.

Chị D cho biết, bị ngứa đã 5 năm nay, nhiều khi ngứa gãi đến trầy xước da nhưng đi khám da liễu nhiều nơi, dùng nhiều loại thuốc mà bệnh không thuyên giảm. Được bạn giới thiệu, chị đến BV Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) khám.

Trả lời khi bác sĩ hỏi về thói quen sinh hoạt, chị D. kể chị thích mèo nên nuôi 2 con mèo Anh lông dài 5 năm nay, rất thích ôm, hôn và cho chúng ngủ cùng.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, chị bất ngờ nhận chẩn đoán bị nhiễm ký sinh trùng.

Những bệnh ký sinh trùng từ động vật

Lây nhiễm giun móc chó, mèo

Giun móc chó, mèo thường sống ký sinh ở trong ruột chó, mèo; ngoài ra, chúng có thể sống ký sinh ở khỉ và các loài động vật khác như mèo rừng, hổ, báo, cầy giông... Người bị nhiễm giun móc chó, mèo thường do tiếp xúc với đất, cát ở ngoài môi trường sống bị ô nhiễm phân chó, mèo có ấu trùng giai đoạn dễ lây nhiễm.

Nhiễm bệnh sán dải chó, mèo

Sán trưởng thành trong ruột non của chó và mèo. Đốt sán già theo phân hoặc bò ra ngoài qua hậu môn. Trứng sán được phóng thích khi đốt sán co bóp hoặc khi đốt sán bị tiêu nát. Trứng được phát tán ra môi trường hoặc bám vào lông hay ở quanh hậu môn của chó.

Bệnh nhiễm nấm trên da

Khi bị những ký sinh trùng làm tổ trên da người sẽ gây ra một số bệnh nấm ngoài da như hắc lào, nấm má..

Bệnh hắc lào: Những con chó hoặc mèo bị bệnh hắc lào trên da, lây trực tiếp sang người do tiếp xúc trong khi vuốt ve hoặc chải lông cho chúng. Biểu hiện đầu tiên là mẩn đỏ, ngứa, lan rộng dần ra xung quanh vùng trung tâm lành tạo nên hình vòng. Những vết thương ở gần nhau khi chúng lan rộng sẽ hòa vào nhau được gọi là hình đa vòng.

Bệnh nấm má: Thường vết thương ở một bên (phải hoặc trái), đôi khi xảy ra ở cằm. Bệnh nấm má nhiễm do thói quen hôn hít thú nuôi trong nhà có vi nấm trên lông.

Phòng chống nhiễm ký sinh trùng từ chó, mèo

Theo Tiến sĩ Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ người bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo, sán dây, giun lươn, sán máng, sán thường bị ngứa rất nhiều. Ngứa không gây nguy hiểm tới tính mạng con người nhưng gây ra khó chịu trong cuộc sống sinh hoạt.

Để không bị nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó mèo, bác sĩ Thọ khuyến cáo:

- Không nên ăn ngủ chung, ôm hôn chó mèo.

- Nên vệ sinh sạch sẽ cho có mèo, bát đựng thức ăn, chất thải của chó, mèo nên xử lý và vệ sinh sạch sẽ.

- Nên tẩy giun định kỳ cho chó, mèo sẽ giảm nguy cơ truyền bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo sang người. Vì chó, mèo cũng có nguy cơ nhiễm các bệnh ký sinh trùng rất cao

Theo Đời sống
back to top