Đường vào làng Nôm.
Làng Nôm, cái tên địa danh đã rất “làng”. Nhưng chữ Nôm ở đây không phải là nôm na, dù mỗi người cắt nghĩa một ý cốt sao cho hợp lý. Có lẽ nghĩa lý tên làng không còn quan trọng nữa, nhưng ở xã Đại Đồng (Văn Lâm – Hưng Yên) thì cái tên làng Nôm đã trở thành mực thước lắm rồi.
Mực thước, nếu chỉ nói mà không giải thích lẫn bằng cớ thì suông quá, hoặc người cả nghĩ thì viện dẫn “trăm voi không được bát nước xáo”. Thôi thì những điều tai nghe, mắt thấy là thứ cầm bằng cho sự mực thước của ngôi làng cổ, ngõ hầu để bạn đọc yên tâm rằng vẫn còn một ngôi làng như thế.
Chốn xưa hiện về
Từ Hà Nội về làng Nôm chỉ chừng ba chục cây số men theo con đường cái quan sát đường sắt đi Hải Phòng. Qua ga lạc Đạo rồi rẽ tay trái đi sâu vào xã Đại Đồng. Phía đầu làng Nôm, người ta làm tấm biển ghi “Quần thể di tích” theo lối cuốn thư lạ mắt.
Nhưng con đường láng mịn bê tông mang vẻ hiện đại hóa thì không ăn nhập cho lắm với lối cuốn thư nho học kia. Thất vọng nhưng cố đi tiếp, ô kia cái cổng làng cổ! Vẻ đẹp xưa đã hiện về trước mắt lữ khách. Cổng làng bốn trụ vuông vức như cổng thành quách có vòm đắp nổi ba chữ: Đồng Cầu Nôm.
Cổng làng Nôm.
Nghe người làng Nôm kể, cổng làng đã được xây từ 200 năm trước. Dù thời gian đã làm bức cổng hư hại và rơi rụng vôi vữa loang lổ nhưng hóa ra lại hay. Những hàng gạch sẫm màu bị thời gian ăn mòn rêu hóa mà trông xa như được điểm xuyết bởi những đường bút mực xanh ngẫu hứng.
Cụ Phùng Văn Nghiệp, một cao niên am hiểu chuyện làng. Cụ cũng là người giữ nhiều trọng trách của làng và dòng họ Phùng làng Nôm. Đứng phía ngoài cổng nhìn vào, cụ chỉ tay bảo: “Sau cánh cổng này, làng Nôm của chúng tôi sẽ cho các anh hình dung rõ nhất về làng Việt ngày xưa”.
Quả thật, qua cổng làng không gian như tĩnh lặng hẳn. Một hồ nước trong xanh, bao quanh là những ngôi nhà cổ, cây già tuổi ngả bóng mặt nước. Cứ một đoạn ngắn lại một bến gạch xây tam cấp dẫn xuống hồ cho những chị, những mẹ giặt giũ, gánh nước đồ xôi.
Thật khó mà tìm được ở nơi nào có không gian bình yên đậm nét quê đến thế. Ngôi đình Tam Giang của làng Nôm mới thật hồn cốt. Cụ Nghiệp bảo rằng, ngôi đình thờ Đức Thánh Tam Giang là tướng thời Hai Bà Trưng, sau hiển linh giúp Lê Đại Hành đánh thắng quân Tống.
Trước sân đình ấy là cây đa vài người ôm ngả bóng mát cho cả một khoảng sân tới tận giếng nước hình lục lăng xếp đá vỉa xanh. Tôi để ý phía gần giếng có tấm bia đá ghi hai chữ nho “Hạ Mã”. Phải chăng, đây là chốn thiêng của làng, xưa chức sắc hay dân thường cưỡi ngựa qua đều phải xuống dắt bộ.
Từ ngôi đình này, chẳng cần đi đâu xa mà phóng tầm mắt quanh hồ cũng thấy những ngôi nhà cổ đã hàng trăm năm tuổi. Sau những bức cổng ấy đều là những hàng ô rô, cúc tần thẳng tắp bởi được tỉa tót tỉ mỉ từ những con người chuộng cổ và hoài cổ.
Giếng cổ hình lục lăng.
“Những ngôi nhà làng Nôm là minh chứng cho một thời kỳ hưng thịnh của làng. Theo như sử sách ghi lại, làng Nôm chúng tôi được hình thành từ đầu công nguyên và đến thế kỷ XV thì dân cư bắt đầu tập trung đông đúc. Làng có đến 7 dòng họ lớn sinh sống quần tụ nhiều đời như: Tạ, Lê, Phùng, Đan…”, cụ Nghiệp cho biết.
Cầu đá 9 nhịp
Một điểm nhấn có lẽ là tuyệt vời nhất của làng Nôm là chiếc cầu đá 9 nhịp hơn 200 năm tuổi mà tôi đồ rằng, đó là cây cầu cổ duy nhất còn nguyên của vùng đồng bằng sông Hồng.
Cầu được làm hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối có bề mặt rộng gần 2m được gắn khít nhau. Những phiến đá đều được các hiệp thợ xưa đục đẽo tỉ mỉ với bố cục 9 nhịp vĩnh cửu.
Cầu Nôm 9 nhịp.
Ở Hai bên thành cầu với các mỏm đá dầm chạm vân mây uốn lượn tựa long đình. Phần chân cầu là 16 cột đá trụ gác dầm. Dù từ mặt – mố – chân cầu chỉ gác lên nhau mà không dùng chất kết dính nhưng 200 năm đã trải qua mà những nếp xếp vẫn không xê dịch.
Cụ Nghiệp bảo rằng, đầu tiên cầu được làm bằng gỗ lim nhưng để thuận tiện cho việc buôn bán vào chợ Nôm nên các cụ xưa mới bàn nhau làm cầu bằng đá. Nhiều nhà nghiên cứu về làng đều trầm trồ trước vẻ đẹp và sự bền vững của cây cầu này.
Cây cầu đá cổ là sự khác biệt trong kiến trúc của làng Nôm và cũng là một biểu tượng của ngôi làng cổ khi tên làng – tên cầu hòa làm một để đi vào câu ca dân gian: Ai về cầu đá làng Nôm/Mà xem phong cảnh nước non hữu tình.
Mực thước như kèo với cột
Ở làng Nôm này, nếu muốn chiêm ngưỡng nhà cổ và đẹp thì có lẽ nên đến nhà cụ Nhật. Ngôi nhà ba gian hai chái với tuổi thọ 200 năm tuổi đã qua mấy thế hệ sinh sống mà những rường những cột dù đã bị mối mọt làm hư hao đôi chút nhưng cái dáng ấy, vẻ ấy vẫn nguyên vẹn như thuở mới dựng.
Ngôi nhà xưa nép dưới những tán cau buổi đầu hạ khơi gợi ra bao nhiêu những hoài niệm xưa cũ. Cụ Nhật ngồi dưới hiên nhà mà kể những tích xưa cho lớp con cháu được tỏ tường, rồi cụ dạy chúng rằng: Anh em phải yêu thương nâng đỡ lẫn nhau như cột với kèo nhà này. Có vậy, thì dù có mối có mọt, có mưa có bão thì nhà vẫn vững yên.
Vẻ yên bình của làng Nôm.
Sau, cụ bảo tôi: Nhà nào cũng có gia phong riêng. Đời này giữ được truyền dạy đời sau, cứ thế mà giữ. Ở trong nếp nhà cổ các cụ để lại, chẳng cần nói nhiều mà con cháu cứ răm rắp làm theo những điều hay lẽ phải.
Nói rồi cụ dẫn chúng tôi đi quanh nhà xem những vườn những cây. Vườn thì sạch không một cọng rác, cây thì xanh không chút lá vương. Cụ Nhật bảo, lũ con cháu ra vườn thấy vườn tược sạch sẽ thì chúng cũng tự hiểu gia phong, sống làm sao cho mực thước không điều ra tiếng vào.
Cách đó không xa là nhà ông cụ Long. Ngôi nhà cổ trải qua 6 thế hệ sinh sống nên những cốt cách dường như cũng tụ lại ở ngay mái hiên. Dưới mái hiên này là nơi con cháu kính cẩn sửa soạn trang phục, mái tóc và chuẩn bị cho một lời ăn tiếng nói lễ phép cùng cái vái chào bề trên sau khi bước qua bực cửa.
Một ngõ tĩnh lặng với những cổng nhà cổ kính.
“Ngoài những cách sống mực thước có trên có dưới, chúng tôi cũng luôn răn dạy con cháu sống cho lành tâm vững chí, sống không hổ thẹn với mình và với người. Có được vậy thì gia phong mới được giữ, gia đình mới được êm”, cụ Long chia sẻ.
Cụ Long đã già lắm rồi, nhưng cụ bảo những nếp sống xưa cần được tôn kính. Bởi thế nên người lạ đến nhà cụ cũng thấy là lạ làm sao khi lũ con cháu nhất ngôn “một dạ hai thưa” cùng những “thầy – mẹ” và những cái đi giật lùi đầy kính cẩn.
“Làng Nôm là một quần thể di tích đẹp nổi tiếng. Nhiều đoàn làm phim về làng Nôm mượn cảnh quay, cũng nhiều khách thập phương đến tham quan làng. Người dân thì rất chất phác, hiền hậu và sống có nền nếp. Chính cách sống ấy mới giữ cho làng Nôm tồn tại được nét cổ thuần Việt”, ông Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng.
Trần Hòa