Độc giả Nguyễn Văn An (Nghệ An) viết thư hỏi “Nghe nói nấu lá sen với lá vối thì chữa được mỡ máu. Nấu lá vối cùng với lá sen có tác dụng gì không? Có bị ảnh hưởng gì không? Nên uống lá sen tươi hay là lá sen khô? Những người nào có thể uống và không uống được lá vối và lá sen?”. KH&ĐS xin chia sẻ phần trả lời của các chuyên gia Đông y để nhiều độc giả cùng tham khảo.
Bài thuốc Nam dùng lá sen khô và lá vối kết hợp sơn tra, đan sâm, thảo quyết minh và kỳ tử chữa mỡ máu cao.
Chỉ hỗ trợ chứ không điều trị hoàn toàn
Theo Lương y đa khoa Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, trong y học cổ truyền, lá vối vị đắng, chát, tính mát, kích thích tiêu hóa, tán thũng, chỉ huyết, sinh cơ. Lá vối nấu nước để uống vừa thơm, vừa tiêu thực, có công dụng giúp tiêu hóa thức ăn, nhất là thức ăn có nhiều dầu mỡ, giảm béo, lợi tiểu tiêu độc.
Trong lá vối có saponin, ancaloit, acid triterpenic và rất ít tanin. Dùng thường xuyên lá vối có tác dụng hỗ trợ tiêu tích, kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, bảo vệ niêm mạc ruột, hỗ trợ giảm mỡ máu, chống oxy hóa.
Tiến sĩ, lương y Phùng Tuấn Giang – Chủ nhiệm nhà thuốc Thọ Xuân Đường cũng cho biết, lá sen Đông y gọi là Hà diệp, cóvị đắng chát, khô sáp, tính bình, đi vào các kinh: tâm, can, tỳ. Tác dụng của Hà diệp là thanh nhiệt, giải thử, thăng dương khí, chỉ huyết… Bà con đi nắng về trúng cảm, say nắng, tiêu chảy thì dùng cháo lá sen tươi rất hiệu quả.
Lá sen khô sao đốt tồn tính chữa các bệnh xuất huyết, cầm máu, chỉ huyết. Khi ăn nấm độc có thể uống lá sen giải độc. Trên lâm sàng lá sen được dùng linh động để chữa nhiều bệnh trong Đông y: Những người cao tuổi động mạch đã suy yếu, từng bị liệt hoặc xơ vữa động mạch nên uống thường xuyên để phòng ngừa các bệnh về tim mạch.
Theo hai vị chuyên gia trên, uống nước nấu lá sen và lá vối có tác dụng thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa, có thể phòng và hỗ trợ điều trị bệnh mỡ máu. Lương y Bùi Hồng Minh cho rằng, mặc dù công dụng của lá sen lá vối như vậy nhưng chỉ hỗ trợ phần nào chứ kết hợp hai vị thuốc này không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh mỡ máu.
Lương y Phùng Tuấn Giang cũng cho biết, lá sen khô và lá vối khô là hai vị thuốc trong một bài thuốc hay phổ biến ở y học cổ truyền dùng điều trị cho trường hợp mỡ máu cao, giảm béo, chống xơ vữa động mạch. Bài thuốc này bao gồm các vị: lá sen, lá vối, sơn tra, đan sâm, thảo quyết minh và kỳ tử. Như vậy, ngoài lá sen và lá vối cần kết hợp với các vị sơn tra, đan sâm, thảo quyết minh, kỳ tử thì việc điều trị mỡ máu hiệu quả hơn.
Nên dùng lá khô
Lương y Phùng Tuấn Giang cho hay, lá sen khô và tươi chất lượng như nhau nhưng lá tươi không phải mùa nào cũng có. Dùng lâu dài nên dùng lá khô. Trong y học cổ truyền đều các bài thuốc sắc đều sử dụng lá sen khô rất hiệu quả. Tuy nhiên quan trọng là phải kiểm soát được chất lượng lá sen. Trong Đông y, lá sen được xác định tính mát, không độc nhưng nếu dùng quá liều hoặc tùy tiện có thể ngộ độc: tê môi, lưỡi và niêm mạc miệng, nôn nao, co giật, mạch nhỏ yếu, vã mồ hôi, rối loạn tim mạch, tụt huyết áp… Chính tác dụng thanh nhiệt trong lá sen khiến người thể hàn dễ bị tiêu chảy, chân tay lạnh, hạ huyết áp.
Trà lá sen.
Nguy cơ dị ứng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Do vậy, khi mua lá sen khô phải chọn chất lượng lá sen đảm bảo. Chọn lá sen mới thu hái, không bị nấm mốc, không lẫn tạp chất, có mùi thơm rõ rệt đặc trưng nhất của lá sen. Khi mua về nên rửa sạch và phơi sấy lại, bảo quản kỹ để tránh nấm mốc.
Hàng ngày dùng 20-40g sen khô sắc uống, 10-20 g lá vối khô. Dùng ít quá không có tác dụng, nhiều quá có thể ngộ độc. Khi nấu lá sen khô không nên đun lửa to sẽ bị phân hủy bớt mất các hoạt chất flavonoid, ancaloit – dược chất giúp giảm béo, điều trị mỡ máu.
Theo Lương y lá vối tươi còn nhựa sẽ không tốt cho một số người. Trong bài thuốc chữa mỡ máu, Đông y dùng lá vối khô an toàn hơn cho tiêu hóa. Muốn lá vối ngon, theo kinh nghiệm dân gian sau khi thu hoạch phải rửa sạch nhựa, phủ rơm rạ ủ trong các thùng kín, thúng hoặc bồ, rồi phơi khô, bảo quản dùng dần.
Uống nước lá sen và vối đặc khi đói có thể gây cồn cào, mệt mỏi, thèm ăn, chóng mặt (dân gian gọi là say) do các hoạt chất trong lá vối lá sen có tác dụng kích thích nhu động ruột, thúc đẩy tiêu hóa, chống đầy bụng. Do vậy, nên uống rải rác trong ngày sau bữa ăn.
Tuyết Vân