Kỳ 7: Ba chị em họ Phạm

Xông pha trận mạc, giết được vô số giặc. Người chị cả xứng danh nữ liệt anh hùng, hai người em cũng dốc sức vì nước, có công với làng. Ba chị em họ Phạm lừng danh một thuở được dân làng Hòa Mục tôn làm Thành hoàng.

Kỳ 6: Dũng sĩ diệt rắn

Kỳ 5: Từ thầy giáo thành Đại Vương

Kỳ 4: Rước xôi dâng Thành hoàng làng

Kỳ 3: Thành hoàng làng trẻ nhất

Kỳ 2: Hoàng tử nhà Lý làm Thành hoàng làng

Kỳ 1: Nữ thần hậu thổ phu nhân

Làng cổ Hòa Mục vốn có tên là Nhân Mục, nay thuộc phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Trải qua bao thế kỷ tồn tại, Hòa Mục là chứng tích của những trận chiến oanh liệt.

Mộng Trời ban sắc

Theo thần tích lưu truyền dân gian thì làng được hình thành từ thời Hùng Vương. Vào năm 40 sau Công nguyên, làng từng là nơi diễn ra các trận đánh ác liệt giữa quân của Hai Bà Trưng với quân Mã Viện nhà Hán. Thế kỷ thứ 5, làng có tên khác gọi là Trang Nhân Mục, thuộc về tổng Dịch Vọng.

Kỳ 7: Ba chị em họ Phạm ảnh 1
Cổng đình Hòa Mục.

Cố GS. Trần Quốc Vượng từng khẳng định rằng: “Hòa Mục là 1 trong 7 làng nổi tiếng của Hà Nội cổ. Không chỉ có công trong việc giúp Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng bao vây diệt trọn thành Tống Bình mà còn là làng nghề nổi tiếng làm giấy thời Lý. Ai đó nói rằng Hòa Mục không phải là làng cổ, là làng “nhảy dù” thì không biết gì về lịch sử”.

Hiện nay, đình Trong của làng Hòa Mục thờ 3 vị Thành hoàng làng là ba chị em ruột: Phạm Thị Uyển, Phạm Miễn, Phạm Huy là những danh tướng có công giúp Phùng Hưng đánh giặc.

Ông Hoàng Đức Tuấn, Thủ từ đình Hòa Mục cho biết: Theo điển tích thần phả, quê hương ba vị ở trang Thọ Xương kinh thành Thăng Long thì từ ngày xưa có vợ chồng ông bà Phạm Huyên, Phùng Thị Thảo ăn ở nhân hậu nhưng muộn đường con cái. Ông bà ngày đêm mong mỏi thường đến chùa Thọ Xương cầu cúng. Một đêm cả hai ông bà nằm mộng thấy một vị thần mặc áo giáp sắt, đội mũ đồng, chân đi giày sắt, tay cầm long bài quỳ trước sân mà nói rằng: “Ngọc Hoàng ban sắc xuống cõi Nam, giao cho ông bà giúp đỡ 1 gái 2 trai nuôi nấng họ trưởng thành”.

Kỳ 7: Ba chị em họ Phạm ảnh 2
Đình Hòa Mục thờ 3 chị em họ Phạm.

Từ đấy bà mang thai và đến giờ Ngọ ngày 12/2 năm Ất Mão, bà sinh ra một bọc nở ra được 1 gái 2 trai. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, lại có một dị bản khác viết rằng: Bà Thảo đang ngủ thì mơ thấy một trái đào cùng hai bông sen trắng bay hướng về phía bà. Từ đấy bà thụ thai, đúng một năm sau thì sinh một lúc ba người con, 2 trai, 1 gái. Gái thì mắt phượng mày ngài, trai thì tuấn tú khôi ngô. Chị cả được đặt tên Phạm Thị Uyển (Đại Nương), hai người em trai đặt là Phạm Hễ (Miễn) và Phạm Huy.

Giết giặc cứu nước

Thời bấy giờ nhà Đường đã nhiều lần xâm lấn đô hộ nước ta. Ở làng Đường Lâm, có Phùng Hưng là cậu ruột của 3 chị em bà Phạm Thị Uyển không cam chịu ách đô hộ của nhà Đường. Ông đã dấy binh khởi nghĩa. Đại Nương cùng các em của mình tham gia.

Kỳ 7: Ba chị em họ Phạm ảnh 3
Hệ thống bia đá cổ đình Hòa Mục.

Trong một lần giao chiến ác liệt với giặc trên sông Tô Lịch, thế cùng, bà Đại Nương đã gieo mình xuống sông tuẫn tiết vào ngày rằm tháng bảy. Xác của bà được nhân dân Trang Hòa Mục vớt lên mai táng xây cung miếu thờ.

Hai ông Phạm Miễn, Phạm Huy tiếp tục theo cậu cầm quân giết giặc lập được nhiều chiến công. Phùng Hưng dẹp xong giặc được tôn là Bố Cái Đại vương đã ghi nhận công trạng, ban thưởng các tướng. Hai ông Miễn, Huy được phong là Thần tướng trong phủ.

Đến tuổi già, hai ông trở về quê an dưỡng, thường du ngoạn các nơi. Một ngày kia hai ông đến Trang Nhân Mục bên dòng Tô Lịch, thấy phong cảnh đẹp lạ thì xuất tiền mua đất lập hành cung, mua công điền công thổ để sau này thờ cúng. Ngày 12/2, thấy người mỏi mệt, hai ông cùng hóa. “Sinh vi tướng, tử vi thần”, sau khi mất, nhân dân lập miếu.

Kỳ 7: Ba chị em họ Phạm ảnh 4
Đình Hòa Mục được ban nhiều sắc phong.

Thế kỷ 15, Lê Lợi cùng quân Lam Sơn khởi nghĩa chống giặc Minh. Một lần qua sông Tô thấy ngôi đền thiêng thì vào nghỉ lại. Đêm đó, ông mộng thấy 3 vị đại vương xưng là võ thần triều trước phù trợ diệt giặc. Sau ngày thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, nhớ ơn phù trợ đã hạ chỉ, giao cho bộ Lễ ban sắc phong thần cho tam vị đại vương, giao cho nhân dân Trang Nhân Mục đời đời hương khói, thờ phụng.

Tuy nhiên, tích về bà Phạm Thị Uyển mà người viết bài này từng đọc có một dị bản: Thị Uyển lớn lên nổi tiếng xinh đẹp. Bấy giờ có Mai Thúc Loan ở Đường Lâm cầu hôn, họ Phùng (mẹ Thị Uyển – PV) và họ Mai vốn cùng quê nên bà mẹ vui lòng gả con gái cho Mai Thúc Loan.

Khi về nhà chồng, cô thường cùng chồng bàn định thế nước. Mai Thúc Loan liền dựng cờ khởi nghĩa. Bà tuy là phu nhân nhưng cũng chỉ huy đánh giặc.

Theo tìm tòi của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, thì dị bản đã không chính xác. Không có gì chứng minh mẹ của bà Phạm Thị Uyển cùng quê với dòng họ Mai. Hơn nữa, trong các sắc phong thần phả không có dòng nào viết về Mai Thúc Loan là chồng của bà Uyển.

 “Gỏi cá mè” cúng thánh

Hiện nay, đình làng Hòa Mục còn lưu giữ khá nhiều bia đá, hoành phi bằng chữ Hán. Trên khuôn viên rộng, địa thế đẹp, ngôi đình cổ hướng mặt về phía Tây, trước đền có hồ nước rộng. Hai bên sân có nhà tảo mạc, nóc có hình rồng cách điệu.

 “Các triều vua Nguyễn sau này cũng nhiều lần ban sắc phong cho tam vị đại vương thờ tại đình Hòa Mục với tổng cộng 12 đạo sắc phong. Hiện nay, dân làng chúng tôi còn lưu giữ được khá nhiều tư liệu cổ nói về việc dựng đình và về ba Thành hoàng làng họ Phạm”, ông Hoàng Đức Tuấn, Thủ từ đình Hòa Mục.

Kiến trúc chính của đình là nhà tiền tế và hậu cung theo kiểu chữ đinh, 5 gian rộng rãi, nền gian bên cao hơn so với gian giữa, là nơi để các cỗ kiệu, ngựa thờ. Gian giữa từ ngoài vào hậu cung liền nhau, qua mấy lần bài trí hương án mới đến nơi khám thờ đặt long ngai bài vị của 3 chị em họ Phạm.

Kỳ 7: Ba chị em họ Phạm ảnh 5
Đền Dục Anh, tương truyền là nơi chôn cất bà Phạm Thị Uyển.

Cách đình Hòa Mục không xa là đền Dục Anh xây dựng sát bờ sông Tô, tương truyền là nơi an táng Phạm phu nhân. Vì bà có nguồn gốc thủy phủ nên dân ta coi bà như Mẫu, thường gọi Đức chúa bà.

Vào ngày 12/2 âm lịch hằng năm, lễ hội truyền thống đình Hòa mục được tổ chức. Lễ rước xuất phát từ đình Trong, đi theo đường chính của làng ra đền Dục Anh làm lễ rồi lại rước quay về đình. Đi đầu là 10 lá thờ thần, theo sau là trống cái, chiêng đại, não bạt.

Người đánh trống mặc võ phục, mỗi khi đánh thì tay vung dùi theo một thế võ, rồi đánh từng hồi “bắt nhịp” cho đám rước. Phía sau là nhạc bát âm khoan thai chơi bài “lưu thủy hoặc ngũ phúc”.

Theo PGS. Lê Trung Vũ, tác giả cuốn sách “Lễ hội Việt Nam” thì cỗ cúng làng Hòa Mục rất đặc sắc. Ngoài đủ các mâm thủ nọng tứ chi, lục phủ ngũ tạng lợn thì còn xôi không pha đậu, lạc hoặc màu sắc khác.

Cỗ cúng thánh còn một thức kèm lạ lùng là món cá chép kho nhạt ăn bún. Cá chép chọn cá tươi khoảng một cân để nguyên con hoặc cắt làm ba khúc. Sau khi làm sạch, người ta kho cá bằng nước muối pha loãng. Cũng có năm, người ta làm gỏi cá mè để cúng thánh.

“Có thể do thần tích của ba vị đại vương kể rằng khi bà Thị Thảo nằm ngủ mộng thấy con rắn trắng hóa thành một quả đào và hai bông sen trắng nên thức cúng có thêm nguồn thủy sản chăng?”, PGS Vũ đặt giả thiết.

(Còn nữa)

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top