Kính hiển vi có hệ thống dẫn đường cắt u não khủng

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh viện K Trung ương đã triển khai thường quy mổ u não 100% dưới kính hiển vi, dùng hệ thống định vị thần kinh dẫn đường giúp nhà phẫu thuật biết chính xác bờ ranh giới u, lấy tối đa khối u không làm tổn thương đến các tổ chức khác của não.

Nguy cơ thất bại 95% phục hồi kỳ diệu

Bà Vũ Thị Quế, 70 tuổi, bà ngoại bé Nhi (11 tuổi, Hải Phòng) kể, đúng ngày khai giảng 5/9, bỗng dưng Nhi bị nôn nên phải ở nhà. Tưởng Nhi bị cảm thông thường nhưng sau đó thi thoảng Nhi đau đầu, ăn hay nôn, gia đình đưa con đi khám nhiều lần, nhưng chưa tìm ra bệnh. Lần thứ hai, sau khi đến một bệnh viện ở Hà Nội vì nôn suốt cả một ngày, trẻ mệt lả các bác sĩ phát hiện khối u trong não.

“Các bác sĩ nói 95% thất bại, khối u lớn, nguy cơ cao ác tính nên gia đình không dám mổ đưa cháu về nhà cho uống thuốc nam. Cuối tháng 9, Nhi rơi vào hôn mê, gia đình đưa vào Bệnh viện K (Hà Nội) cấp cứu, như một phép thử vận may cuối cùng”- Bà nhi nghẹn ngào

TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện K cho biết, khối u lớn, kích thước 6x7cm nằm ở vị trí trung tâm não, ảnh hưởng rất nhiều chức năng quan trọng, khối u gây ứ nước trong não. Các bác sĩ đã quyết định mổ dẫn lưu dịch não tủy. Rất may sau 3 ngày hồi sức trẻ đã tỉnh táo. Song bài toán đặt ra lúc này là có nên mổ lấy khối u lớn.

Gia đình bệnh nhi lo lắng vì sợ rủi ro cao, khối u mổ ra nếu là ác tính thì cũng không có tác dụng. Vì thế, bệnh nhi được chỉ định sinh thiết xác định tính chất của u. Với những kết quả thu được, các bác sĩ nghĩ nhiều đến khối u máu khổng lồ ở vị trí giữa não.

“Biện pháp duy nhất cứu bé là mổ song rủi ro quá lớn. Mổ không cẩn thận có thể để lại những biến chứng như đi tiểu hàng chục lít một ngày, có trường hợp bỏ ăn, thờ ơ với việc ăn hoặc ngược lại cuồng ăn. Thậm chí có thể khiến trẻ trở nên ngớ ngẩn, mất nhận định về thời gian, không gian” – TSBS Liên cho biết.

Cuối cùng ngày 14/11, trẻ được mổ bóc tách khối u não. Ca mổ kéo dài 4 tiếng, các bác sĩ lấy được toàn bộ khối u mà không làm tổn thương đến các cấu trúc khác của não. Sau ca mổ hai ngày bé đã có thể ngồi, nói chuyện, đi lại. Nhìn cháu gái hoạt bát bà ngoại Nhi không giấu nổi những gọt nước vui mừng.

TS Liên đang kiểm tra khối u não trên phim chụp của bệnh nhi

TS Liên đang kiểm tra khối u não trên phim chụp của bệnh nhi

Kỹ thuật cao đảm bảo chất lượng cuộc sống sau mổ

TS.BS Liên cho biết, u não có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và càng lớn tuổi thì tiên lượng với u não càng nặng. U não là một khối tụ hội hoặc sự tăng trưởng của các tế bào bất thường trong não, có thể lành tính hoặc ác tính. U lành tính nhưng cũng rất nguy hiểm vì u phát triển chèn ép vào các vùng chức năng trong não.

Biểu hiện ban đầu của u là thỉnh thoảng đau đầu và dần dần trở thành thường xuyên, buồn nôn, nôn nhiều, mắt mờ, nhìn đôi hoặc mất thị giác. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ mất cảm giác vận động ở một nửa người, nói khó, lẫn lộn trong các vấn đề hằng ngày, thay đổi nhân cách hoặc hành vi, động kinh…. Nguy hiểm nhất là các biến chứng của bệnh: làm hỏng bất cứ phần nào của não bộ gây thiếu hụt chức năng thần kinh do vùng não đó chi phối.

“Phẫu thuật u não có rất nhiều vấn đề đặt ra, ngoài lấy khối u các nhà phẫu thuật viên cần phải quan tâm đến vấn đề về mặt chức năng vận động đảm bảo chất lượng cuộc sống sau mổ. Bên cạnh đó, việc phẫu thuật u não phụ thuộc rất lớn vào bản chất u, do vậy điều trị u não có u lành chỉ cần một phẫu thuật; nhưng có u độ 3 độ 4 cần phối hợp các chuyên khoa về điều trị nội ung thư, điều trị hóa chất, xạ trị, để làm tăng thời gian và chất lượng sống cho người bệnh”- TSBS Liên chia sẻ.

Hiện nay, BV K Trung ương đã triển khai thường quy mổ u não 100% dưới kính hiển vi, dùng hệ thống định vị thần kinh dẫn đường trong mổ. Đây là hệ thống mô phỏng chức năng định vị của các vệ tinh nhân tạo. Với hệ thống này không những giúp phẫu thuật viên xác định vị trí phẫu thuật như đường rạch da, mở nắp sọ, mở màng não tránh các cấu trúc khác như xoang tĩnh mạch dọc trên, xoang tĩnh mạch ngang…mà còn xác định chính xác vị trí khối u. Nhờ đó, phẫu thuật viên dễ dàng chọn đường mổ nhỏ nhất, chính xác nhất và gần nhất vào khối u, ít gây tổn thương nhu mô não lành, ít tổn thương vùng chức năng (ngôn ngữ, vận động, cảm xúc…) trên não, ít mất máu…

Đặc biệt, khi đã vào trong khối u các bác sĩ lại dùng kính vi phẫu để phóng đại trường mổ, nhìn rõ các mạch máu và tổ chức não trên bề mặt não, quanh khối u, từ đó thao tác chuẩn xác, lấy u ra an toàn, ít gây tổn thương tổ chức não lành và mạch máu nhất. Nhờ đó, thời gian phẫu thuật nhanh hơn, tỷ lệ tai biến, biến chứng và di chứng trong phẫu thuật não giảm. Bệnh nhân sau phẫu thuật nhanh chóng hết các triệu chứng của bệnh.

Theo Đời sống
back to top