Kiểm soát tốt bệnh thận mạn tính tránh suy thận

(khoahocdoisong.vn) - Một số bệnh nhân khi được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn tính (CKD) và được tư vấn là bệnh không chữa khỏi được đã tỏ ra hết sức lo lắng. Mặc dù CKD không thể chữa khỏi, nhưng bệnh nhân cần hiểu rõ về bệnh và điều trị để giảm chậm hoặc ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.

Bệnh thận mạn tính thường tiến triển âm thầm qua nhiều năm, do đó việc chẩn đoán, đánh giá và điều trị chủ yếu dựa vào những dấu ấn sinh học đánh giá chức năng thận. Mức lọc cầu thận (MLCT) vẫn là dấu ấn lý tưởng của chức năng thận.

Khi đánh giá mức lọc cầu thận cần chú ‎ý đến một số yếu tố như: Tuổi, giới để khẳng định bệnh nhân có giảm mức lọc cầu thận hay không. Bởi vì tuổi càng cao theo sinh l‎ý bình thường mức lọc cầu thận sẽ giảm đi tương ứng. Việc đánh giá sự suy giảm mức cần dựa vào quá trình theo dõi MLCT trong nhiều tháng, nhiều năm và mang tính liên tục. Khi bệnh nhân đã được chẩn đoán CKD thì khả năng can thiệp nhằm cải thiện MLCT là không thể, mà chỉ có thể duy trì hoặc làm chậm sự tiến triển của quá trình suy thận.

Có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến tiến triển của CKD nói chung và suy thận mạn nói riêng.

Nhóm các yếu tố nguy cơ không thay đổi được: Giới tính (nam tiến triển bệnh thận nhanh hơn nữ); Tuổi (theo quy luật của tự nhiên quá trình lão hóa sẽ làm cho số nephron chức năng giảm dần theo tuổi, ở tuổi 70 số nephron bị xơ hóa chiếm khoảng 12 - 13 %, ở tuổi 80 thì tỷ lệ này vào khoảng 30%); Chủng tộc (người da đen mắc bệnh đái tháo đường thì nguy cơ suy thận mạn giai đoạn cuối nhiều hơn người da trắng); Yếu tố di truyền (những trẻ được sinh ra có trọng lượng thấp dưới 2.5kg, sinh thiếu tháng, mẹ dùng một số thuốc có thể gây độc cho thận, mẹ mắc một số bệnh như đái tháo đường, tiền sản giật trong thời gian mang thai, mẹ dùng nhiều thuốc lá sẽ có nguy cơ bị giảm số lượng nephron nên thận sẽ dễ nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh).

Nhóm yếu tố nguy cơ có thể thể tác động và làm thay đổi được: Protein niệu là một trong những dấu ấn thường gặp và quan trọng trong việc xác định có tổn thương thận. Nếu protein niệu cao > 1g/24h thường là có tổn thương cầu thận có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. Những bệnh nhân có lượng protein niệu càng cao thì thời gian dẫn đến suy thận càng ngắn. Bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát đường huyết không tốt, bệnh cầu thận, thường dẫn đến suy thận mạn nhanh hơn một số nguyên nhân khác như tăng huyết áp, bệnh ống thận kẽ do thuốc, hóa chất và do vi khuẩn… 

Ngoài ra, tăng lipid máu góp phần gây nên xơ vữa mạch máu nói chung và mạch thận nói riêng; Hút thuốc lá gây tổn thương thận qua một số cơ chế trực tiếp và gián tiếp, tác nhân chủ yếu ở đây là do tác dụng của nicotine có trong thuốc lá gây nên.

Tác động của người thầy thuốc và bệnh nhân chủ yếu là vào nhóm nguy cơ có thể thay đổi được với mục đích duy trì ổn định MLCT đang có và làm chậm sự tiến triển của quá trình suy thận đến bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối.

PGS.TS Đỗ Gia Tuyển (Trưởng khoa Thận – Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Hoạt động của não bộ hoàn toàn phụ thuộc vào sự nạp máu. Nếu việc nạp máu cho não bộ bị ngưng lại dù chỉ 2 phút sẽ tổn thương nghiêm trọng. Để tăng tuần hoàn não, ngoài chế độ dinh dưỡng, thuốc, tập luyện giữ vai trò quan trọng.
back to top