Hàng triệu người trên thế giới đang vật lộn với các bệnh tim mạch, bệnh thận cũng như tăng huyết áp. Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO cho thấy người mắc bệnh tim mạch do tăng huyết áp đang chiếm tỷ lệ rất cao.
Thiếu hụt kali hay còn gọi là tình trạng hạ kali máu được coi là nguy hiểm và có thể dẫn tới nguy cơ tử vong. Một trong số những hậu quả của việc thiếu hụt kali đó là tăng huyết áp, tim mạch và bệnh thận nhưng vẫn còn rất nhiều những dấu hiệu khác cũng do việc thiếu hụt kali gây ra đó là: Mệt mỏi; Yếu cơ; Đau bụng và chuột rút; Nhịp tim bất thường; Tê liệt cơ...
Kali là một loại chất khoáng cần thiết cho cơ thể và cũng là chất điện giải đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp. Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu có ý kiến trái ngược nhau nhưng sự thật là việc cân bằng lượng natri- kali trong cơ thể là điều vô cùng cần thiết.
Những người có nồng độ kali trong máu cao thường có huyết áp thấp hơn, vì thế những thực phẩm có chứa nhiều kali sẽ rất tốt cho những người tăng huyết áp. Một chế độ ăn giúp cân bằng được lượng natri - kali nạp vào đó là ăn các thực phẩm tươi sống và giàu kali như quả bơ, rau chân vịt, nấm, súp lơ xanh, cải Brussels, cần tây, xà lách Romaine, những loại rau lá xanh, chuối, cà chua, khoai lang, cam, mơ, cá hồi hoang dã. Nên chọn những loại quả ít ngọt để giảm thiểu lượng fructose. Bên cạnh đó bạn cũng có thể thử nước ép từ quả lựu đỏ vừa giúp hạ huyết áp vừa giúp chống lão hóa. Những hợp chất chống oxy hóa từ hoa quả được chứng minh là có ảnh hưởng tích cực đến tim mạch.
Những loại sữa chua được làm từ sữa giàu lợi khuẩn sẽ giúp cân bằng được huyết áp. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy lợi khuẩn có trong sữa chua sẽ giúp bạn điều chỉnh được lượng cholesterol và đường huyết. Một lượng nhỏ chocolate nguyên chất có chứa flavonoid cũng giúp bền vững được thành mạch.
PGS.TS Trương Hồng Sơn (Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam)