Kali rất quan trọng đối với cơ tim
PGS.TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, kali là một chất khoáng cần thiết cho dinh dưỡng và sức khỏe. Cơ thể một người nặng 70kg có khoảng 140g kali, 90% khối lượng này nằm trong các tế bào, độ tập trung ở các dịch tiêu hóa cao hơn trong huyết tương. Bình thường nồng độ của các ion K + ở bên trong tế bào luôn cân bằng với nồng độ các ion Na+ ở bên ngoài tế bào. Na có tính hút nước và giữ nước, làm cho máu và các chất dịch có tính linh động, dễ chuyển dịch, còn Kali không có tính chất ấy. Sự cân bằng giữa nồng độ 2 ion Na + và K+ rất quan trọng đối với cơ tim.
Sự thiếu hoặc thừa Kali ở cơ tim đều khiến cho tim đập mau hơn, dẫn tới các bệnh loạn nhịp tim. Khi cơ thể thiếu chất magiê (Mg) hoặc thiếu oxy do mạch bị tắc nghẽn, các cơ tim sẽ bị mệt mỏi, tiết ra chất axit lactic làm giảm nồng độ ion K+. Việc cấu tạo ra các tế bào mới trong quá trình mang thai của phụ nữ ở độ tuổi cơ thể đang phát triển, trong trường hợp cơ thể có vết thương đang hàn gắn, người bệnh đang hồi phục, đều làm cho lượng kali trong cơ thể bị giảm sút.
Cơ thể người luôn có nhu cầu về kali, nhưng với mức độ thích hợp. Hiện tượng thiếu hoặc thừa kali đều không tốt cho sức khỏe. Những trường hợp thiếu kali xảy ra sau khi người bệnh dùng các loại thuốc tẩy, thuốc lợi tiểu, thuốc có chất corticoid, cam thảo trong thời gian dài, dẫn tới sự mất cân bằng về nồng độ K+ với Na+ ở hai bên màng tế bào. Hiện tượng thiếu kali của cơ thể thường đi đôi với hiện tượng thiếu magiê (Mg), làm cho người bệnh mệt mỏi, hay bị chuột rút (vọp bể), có cảm giác kiến bò ở tay chân, bị rối loạn tiêu hóa. Nếu hiện tượng thiếu này kéo dài, người bệnh có thể bị loạn nhịp tim và bại liệt. Ngược lại sự thừa kali có thể gây viêm ruột, suy thận, loạn nhịp tim hoặc trầm trọng hơn làm tim ngừng đập.
Kali thực phẩm giảm huyết áp, kéo dài tuổi thọ
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, trong cơ thể, lượng kali thường khá ổn định, trung bình là 3,5 – 5 mmol/l. Nếu quá thừa hoặc quá thiếu đều có thể dẫn tới những biểu hiện bệnh lý. Kali giúp điều hòa cân bằng nước và điện giải, giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ tim mạch, cơ bắp, tiêu hóa, tiết niệu và giúp giảm huyết áp hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy, trong nhóm cộng đồng dân cư sử dụng lượng kali cao trong khẩu phần thì tỷ lệ người bị cao huyết áp thấp hơn nhóm cộng đồng có lượng kali thấp trong khẩu phần. Kết quả theo dõi trên lâm sàng đã nhận thấy cho uống bổ sung kali đã có tác động làm giảm cả áp lực tâm thu và tâm trương máu.
Lượng kali trong khẩu phần ăn đã có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, không phụ thuộc vào tác động của áp suất máu. Khẩu phần có lượng kali cao đã làm giảm tỷ lệ tử vong do đột quỵ và giảm tổn thương thận, trong thử nghiệm tăng huyết áp trên chuột. Theo dõi tại một số cộng đồng dân cư của Nhật số người tăng huyết áp nhận thấy, khẩu phần ăn có tỷ lệ thấp natri/kali đã làm giảm tỷ lệ tử vong do đột quỵ khoảng 10 năm. Mỗi ngày, một người trưởng thành cần hấp thụ khoảng 4700 mg kali từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó các thực phẩm chứa nhiều kali như: chuối, khoai lang, cà chua, nghêu, sữa chua, mận khô, các loại cá: cá ngừ, cá tuyết, cá hồi…
PGS.TS Trần Đáng khuyên, mỗi người có thể hấp thụ được mỗi ngày từ 2 - 6g kali bằng việc ăn uống. Người thiếu kali chỉ nên bổ sung cho cơ thể qua việc ăn các thực phẩm giàu chất kali như: các loại rau quả, ngũ cốc, thực phẩm có dầu. Các nghiên cứu thống nhất: mỗi người, mỗi ngày chỉ cần bổ sung một lượng kali khoảng 1.600mg (ít hơn một nửa số lượng kali được các nhà khoa học Anh khuyến cáo bổ sung hằng ngày cho một người lớn – khoảng 3.500mg) là đã đủ để giảm hơn 20% nguy cơ đột quỵ.
Trung bình một quả chuối chứa khoảng 500mg kali, vậy nên, tiêu thụ 3 quả chuối mỗi ngày là đã giúp giảm huyết áp và kiểm soát sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Việc bổ sung kali cho cơ thể bằng thuốc phải được bác sĩ chỉ định và theo dõi rất cẩn thận để giữ được sự cân bằng nồng độ ion K+ và Na+ tránh hiện tượng các K+ thoát ra ngoài màng tế bào gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe.