Bà Nguyễn Thị Lương với quan niệm sống: Không sợ ai bằng sợ chính mình.
80 chưa thấy già
Sinh ra, lớn lên, lấy chồng, sinh con, cả đời bà Nguyễn Thị Lương gắn bó với làng Châm Khê, một trong những làng quan họ nổi tiếng của Bắc Ninh. 15 tuổi đã mê hát quan họ, đến nay 80 tuổi bà vẫn hát. Cặp hát đôi của hai cụ Nguyễn Thị Khai (86 tuổi) và Nguyễn Thị Lương là một trong những đôi hát quan họ cao tuổi nổi tiếng của làng.
Vừa nhai trầu, bà vừa kể, sáng nay có canh hát quan họ, dù đang bị bệnh hô hấp, không hát được, nhưng bà vẫn sang đây nghe. Trước lúc đi, bà còn sửa sang rất kỹ, mặc bộ áo dài đẹp, chít khăn cẩn thận, rồi nhờ ông ngắm xem đã được chưa.
Tuy không mê hát nhưng ông vẫn rất tạo điều kiện để bà đi hát. Còn bà, dù mê hát từ bé, nhưng cũng có một quãng dài bận gia đình, chăm lo cho con cái nên không theo đuổi được nghiệp hát. Bà bảo, ở đời chỉ được một cái thích thôi, chứ cái gì cũng thích thì hỏng. Thế nên phải biết tính toán, sắp xếp để biết lúc nào cần ưu tiên cho cái gì.
Giờ con cái đã trưởng thành, có thời gian bà lại được sống với đam mê của mình, đó là quan họ. Và chính nhờ quan họ, bà luôn cảm thấy minh mẫn, vẫn nhớ lời hàng trăm bài quan họ cổ, vẫn hát đối đáp được… thế nên chưa hề thấy mình già.
Bà chia sẻ, quan họ thực sự ảnh hưởng đến tâm hồn, tính cách của con người. Bà đã học được từ cách nói năng đến cách đối nhân xử thế từ quan họAm hiểu quan họ khiến con người ta trở nên tốt đẹp hơn. Thật vậy, nói chuyện với bà rất thú vị, nhẹ nhàng, tình cảm và tế nhị.
Sống thế nào để không phải cúi mặt
Đến tuổi này, điều khiến bà toại nguyện nhất là đã xây dựng được một gia đình hòa thuận. 5 người con đẻ, 3 người con nuôi, dâu rể, cháu chắt đầy đủ nhưng trong nhà bao giờ cũng yên ấm, trên bảo dưới nghe. Các cụ vẫn bảo, phúc đức tại mẫu, người mẹ chính là người cầm chịch trong nhà. Đã sinh ra con thì phải tạo dựng cho chúng nên người. Bà vẫn dạy các con, không cần phải giàu sang phú quý, phải có chức có quyền, mà quan trọng phải sống lương thiện, phúc đức, đừng lừa gạt gian dối, phải sống thế nào để bố mẹ có đi đâu không phải cúi mặt xuống.
Bà vẫn tự hào vì trong nhà chưa bao giờ phải to tiếng, nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy. Bà quan niệm, trong cuộc sống này không cần học ai mà phải học chính mình. Và cũng không nên sợ ai, mà phải biết sợ chính mình, sợ mình nói sai, làm sai và xử sai. Hàng ngày phải biết từ những sai lầm của mình để rút kinh nghiệm, để sửa. Sửa mình chính là tu thân. Các con vẫn nói, học được mẹ rất khó. Thậm chí, con trai còn bảo mẹ không mắng không chửi, nhưng mỗi câu của mẹ các con phải suy nghĩ mãi.
Ngay như việc năm vừa rồi có người về đây nhận bố mẹ. Bà vẫn vui vẻ, không truy cứu, vẫn coi thêm con là thêm phúc. Từ đấy, mỗi khi nhà có việc, anh lại đưa cả gia đình vợ con và cả bà mẹ về đây sum họp.
Hay bà kể có lần trong đám cưới, mấy thanh niên uống rượu say, nói gì đó với anh lái xe ôm, suýt thì xảy ra đánh nhau. Thấy thế, bà phải nhẹ nhàng chắp tay xin với anh ta, thôi thì con dại cái mang, tôi là mẹ nó, có gì không phải anh cho tôi xin. Thấy bà chắp tay xin và lại nói phải như thế mới khiến người ta nguôi đi. Mấy người quanh đó ai cũng phục bà đã giải tỏa được một vụ đánh nhau.
Nghe chuyện của bà tôi cảm thấy rất rõ cái văn hóa dân gian từ cách đối nhân xử thế khéo léo kiểu lạt mềm buộc chặt, một cái gì rất gần gũi, dung dị. Rất khó gọi thành tên, hay viết ra để dạy cho người trẻ, mà chỉ có thể cảm nhận để cố gắng mà học theo mà thôi.
Minh Châu