Ăn bánh đa kê không nên dùng nhiều đường trắng.
TS Hoàng Kim Thanh, nguyên cán bộ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, kê chứa 15% giá trị protein, một lượng cao chất xơ, vitamin B-phức tạp bao gồm niacin, Thiamin, riboflavin, các axit amin thiết yếu methionine lecithin… và một số vitamin E. Kê rất giàu khoáng chất sắt, magie.
Phân tích tổng hợp thì kê gồm có 73% chất bột, 11,0 % chất đạm, 2% chất béo, 11% chất nước và rất nhiều sinh chất, khoáng chất cùng các vitamin bổ dưỡng cần thiết cho cơ thể con người. Ăn kê rất bổ dưỡng mà không làm cơ thể béo phì. Chỉ ăn kê có thể cung cấp đầy đủ tất cả vitamin cần thiết cho con người, nhiều nhất là vitamin B1, B2, A,E, Protein, tốt không kém thịt cá.
Các khoáng chất như vôi, phốt pho, mangan, sắt, đồng,… có rất nhiều so với các thức ăn khác. Nó còn chứa chất lecithine và choline tự do bổ não, tăng minh mẫn và sáng tạo cho những người lao động trí óc. Chất Choline trong kê có đặc tính ngăn ngừa cả bệnh cứng động mạch và điều tiết lại quân bình âm dương của thần kinh dinh dưỡng.
Thầy thuốc ưu tứ Lê Hữu Tuấn, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cũng cho hay, theo Đông y, kê bổ trung ích khí, trừ được những chứng phiền khát. Hạt kê có tác dụng hòa trung, bổ thận, khỏe tì vị trừ nhiệt, giải độc, giải khát, lợi tiểu tiện. Chủ yếu dùng cho tì vị hư nhiệt, đau bụng nôn mửa, chống thiếu nước khi tiêu chảy.
Kê vàng giúp tiêu hóa thức ăn là thịt, đỡ mệt mỏi do nhiệt, hòa vị, ngủ ngon. Hạt kê do giàu axit amin và Silic nên giúp các thai phụ ngừa sẩy thai và giảm tình trạng nôn ọe do nghén. Dân gian thường dùng các món từ kê để chữa bệnh như sau: Cháo kê ninh loãng dùng để nuôi các bệnh nhân đau yếu dạ dày. Hạt kê rang xay thành bột dùng làm bánh, nấu bột, cháo cho trẻ nhỏ trừ các bệnh nóng nhiệt, ghẻ, chốc, rôm, chảy máu cam…
Muốn cầm lị, tiêu chảy thì dùng hạt kê để lâu năm đun lấy nước uống.
Trẻ bị cam tích, tiêu hóa kém: Kê 100g, một số lát khoai mài vừa đủ, đun thành cháo ăn.
Người già thân thể gầy yếu, phụ nữ đẻ thiếu sữa: Kê 30 – 50g đun cháo cho thêm ít đường đỏ ăn lúc nóng hoặc dùng kê, khoai lang (mỗi thứ 50g), đun thành cháo ăn vào sáng và tối. Vo hạt kê và ngâm trong khoảng 1 giờ rồi vớt ra để ráo đun với nước luộc gà hay nước dừa non thành món cháo kê gà bổ dưỡng, phục hồi sức khỏe.
Trong dân gian thường ăn bánh đa kê cho đường trắng cho dễ ăn. Đây là một sai lầm vì dùng nhiều đường trắng làm giảm tính chất dưỡng sinh, thanh độc, mát cơ thể của kê. Khi chế biến nên nấu kê với một chút đường đỏ, ăn với đậu xanh để phát huy tác dụng.
Đức Vinh