Thời trẻ ít có thời gian tập luyện, thư giãn
Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội vào loại giỏi, chàng thư sinh Bạch Quốc Quyền dáng người cao ráo, mảnh khảnh được phân công công tác về Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, chuyên ngành Bảo hộ Lao động cho đến khi nghỉ hưu năm 2000 với chức danh trưởng ban.
Ông cho biết, lúc còn đương chức, nhất là ở độ tuổi từ 30 trở đi khi đã lập gia đình riêng có con thơ thì bận rộn vô cùng. Ở thế hệ của ông lúc đó đang là thời kỳ bao cấp nên sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Vợ chồng ông cũng theo phong trào nuôi lợn, nuôi gà công nghiệp trên nhà cao tầng để có thêm thu nhập phụ vào túi tiền lương công chức hạn hẹp.
Thời gian ấy chỉ tập trung vào lo lắng cho công việc cơ quan, ngoài giờ về nhà cùng vợ để mắt đến hàng trăm thứ việc không tên nên ít có thời gian tập luyện thể thao hoặc hoạt động thư giãn.
“Mặc dù khi ấy ở cơ quan vẫn có phong trào đá bóng, hội diễn văn nghệ quần chúng nhưng rất ít vì mỗi năm chỉ có một lần. Là tiền đạo trong đội bóng của khoa nhưng nếu chơi ngoài giờ là ông ít tham gia bởi bỏ bễ việc nhà cho vợ để đi chơi thì không thể chấp nhận được”, ông bảo đến bây giờ ông vẫn còn giữ nếp suy nghĩ đó.
“Nay các con đã trưởng thành,, nhưng luyện cái gì, thư giãn như thế nào cho đúng cách cũng phải “học” đấy nhé!”, ông chia sẻ.
Ông Quyền (phải) đọc báo ở CLB Thơ.
Học bài tập luyện từ chương trình tư vấn sức khỏe
Tham gia học lớp Y học hiện đại, Y học cổ truyền do câu lạc bộ (CLB) Thăng Long, Hà Nội mở và dự các buổi hội thảo tư vấn sức khỏe do hội Người cao tuổi phường tổ chức, ông được tiếp cận với nhiều phương pháp chăm sóc sức khỏe của các giáo sư, bác sỹ, các chuyên gia.
Qua các buổi hội thảo, ông tâm đắc với phương pháp tập luyện theo nguyên tắc “ba nửa giờ” gồm: Sáng đi bộ tập dưỡng sinh nửa giờ để điều hòa tim, mạch; Trưa nghỉ nửa giờ để minh mẫn tinh thần; Tối đi bộ thư giãn nửa giờ để giấc ngủ được tốt và ông thêm “hai nửa giờ” nữa gồm: một là đọc báo nửa giờ vào “lưng lửng” buổi sáng hoặc chiều–cách nói của ông–và hai là xem thời sự “nửa giờ” trên tivi.
Việc đọc báo hàng ngày của ông cũng không cố định, khi thì ở nhà nhưng chủ yếu vẫn là ở trụ sở CLB để còn có điều kiện giao lưu, chia sẻ với bạn bè.
Ông chia sẻ: “Bài “năm nửa giờ” đã được ông thực hiện hơn 10 năm nay và tất nhiên cũng phải thử nghiệm, lắng nghe sự vận động của cơ thể theo từng thời điểm, từ đó bổ sung, điều chỉnh thời gian tập luyện cho mỗi nội dung phù hợp với điều kiện sức khỏe và tình hình thời tiết”.
Ông lưu ý, vào mùa đông hoặc thời tiết không thuận lợi thì không nên đi bộ tập dưỡng sinh buổi sáng sớm ở ngoài trời. Nếu cố tập thì không những không có tác dụng thư giãn, điều hòa tim mạch mà còn có thể gây cảm lạnh ảnh hưởng đến sức khỏe. Ông cho biết: “Con số “nửa giờ” cũng chỉ là tương đối, khi tập cần du di điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh và tình trạng sức khỏe cụ thể trong mỗi buổi tập”.
Ngoài bài “năm nửa giờ” duy trì thực hiện đều đặn, ông còn đi bơi ở Trung tâm thể thao Ba Đình, cùng gia đình đi tham quan du lịch… và qua những hoạt động đó để “nuôi dưỡng”, đón nhận thi hứng mới cho sáng tác và đọc, giới thiệu thơ, thụ cảm những ý tưởng, những điều hạnh phúc tốt đẹp của cuộc sống cùng các thi hữu trong tổ thơ CLB Thăng Long, Hà Nội.
Vân Yên (Hà Nội)