Khoán xe, tiến tới khoán nhà

Theo ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ngoài khoán xe, thậm chí có thể tiến tới khoán nhà cho cán bộ, tránh tình trạng hóa giá nhà làm thất thu số tiền lớn của Nhà nước.

Ông Trần Quốc Thuận.

Khoán 4,5 triệu đồng, dùng chưa hết 1 triệu đồng

Bộ Tài chính đang soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ 2 phương án khoán kinh phí xe công theo mức cố định là 6,5 triệu đồng/tháng hoặc theo số km thực tế với mức giá là 16.000 đồng/km. Là người từng tiên phong nhận khoán xe công, ông đánh giá thế nào về mức khoán này?

Trước tiên phải nói rằng Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc thiết lập chính quyền liêm chính, kiến tạo. Việc khoán xe công là rất cần thiết, đáng lẽ phải thực hiện từ rất lâu rồi. Năm 2006 khi còn đang làm ở Văn phòng Quốc hội, tôi đã thực hiện nhận khoán xe công với mức 4 triệu đồng/tháng.

Tôi đi từ nhà ở phố Vạn Bảo đến cơ quan ở đường Hùng Vương cũng khá gần. Ngày nắng, mưa thì đi taxi, trời đẹp thì đi xe ôm. Thế là mỗi tháng tôi chỉ hết có 1 triệu đồng, vẫn còn dư vài triệu tiêu vặt.

Mức khoán này do ông tự nhận hay là mức quy định từ văn bản nào?

Khi đó trên cơ sở các ý kiến của bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ… nên xây dựng Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội là Nghị quyết chi tiêu trong các cơ quan của Quốc hội trong đó có một điều khoản là khoán xe công. Mức khoán tính toán được đưa ra là 4,5 triệu đồng/tháng. quyết được trình lên Thường vụ Quốc hội đến 5-6 lần rồi cũng được thông qua. Đó là Nghị quyết trình mà không thảo luận mà cứ trình lên rồi tiếp thu ý kiến giải trình, sửa lại.

Việc ông xung phong nhận định mức khoán, rồi lại còn đi xe ôm đi làm ấy có bị người ta nói nọ kia không?

Hồi đó truyền hình cũng đến quay phim tôi đi xe ôm đi làm. Quan điểm của tôi, việc khoán xe công là “ích nước lợi nhà”. Nhà nước thì tiết kiệm được mấy nghìn tỉ đồng, bản thân mình thì thừa tiền ra để tiêu nữa.

Không nên khoán chặt chẽ quá

Theo ông thì hiện nay, mức khoản như dự thảo vừa nêu trên có phù hợp không?

Theo tôi thì mức khoán nên có một khoảng thừa ra chứ không nên khoán quá chặt chẽ. Mức khoán tính theo lộ trình và mức giá có thể khiến cho người được khoán “lời” gấp rưỡi hoặc gấp đôi cũng được, vì dù có như thế thì so với việc dùng hẳn một chiếc xe công vẫn còn rất thấp.

Chi phí cho một chiếc xe công theo tính toán là 320 triệu đồng/năm là quá cao. Vậy thì đưa ra định mức khoán là 100 triệu đồng/năm/người cũng vẫn không phải là cao.

Còn một vấn đề nữa là giảm được nhân sự số tài xế đi theo chừng ấy chiếc xe nữa?

Đúng thế, nhiều khi cán bộ đi họp, lái xe ngồi chơi cả ngày chờ lãnh đạo. Chẳng biết làm gì, cứ đi chơi vu vơ chờ đến giờ đi đón. Nhìn cảnh đó ngán ngẩm lắm, lãng phí nhân lực, thiệt hại biết bao nhiêu là tiền.

Do đó nếu khoán thì nên để một khoản rộng hơn so với mức giá thực tế để người được khoán cũng có một khoản nhỏ nhỏ bù đắp, động viên.

Vấn đề là tính làm sao cho đúng, không lãng phí và có hiệu quả?

Đúng thế, hiện giờ có rất nhiều loại hình vận tải khác nhau với nhiều mức giá khác nhau. Ví dụ tính theo đúng mức giá thị trường là 5 triệu đồng thì nên để định mức đến 9-10 triệu đồng. Vì dù có như thế thì vẫn tiết kiệm được hơn rất nhiều so với việc sử dụng xe công.

Trước đây dù đã có Nghị quyết nhưng cũng rất ít người thực hiện khoán xe. Đến giờ, theo ông thì làm sao để việc khoán xe công thực sự có hiệu quả?

Tôi hy vọng đây là những quy định bắt buộc chứ không phải là động viên tự nguyện của mỗi người như thời tôi làm nữa. Khi nó là chủ trương thì tất cả phải áp dụng. Tôi nhìn thấy cán bộ giờ có xe riêng nhiều lắm.

Chủ trương này nên làm một cách triệt để, tạo ra hiệu quả thực sự, xây dựng một chính quyền liêm chính, kiến tạo. Tiến tới dần dần xóa bỏ hẳn chế độ xe công vì các dịch vụ vận tải giờ rất phát triển. Cần là có ngay.

Bỏ xe công, liêu có làm xấu hình ảnh “oai phong, bệ vệ” của cán bộ?

Cán bộ càng gần dân càng tốt, càng có thể lắng nghe được nhiều ý kiến và càng có thể sửa mình. Dân quý, dân tin yêu là cái được nhất của cán bộ. Đây là quyết tâm chính trị của cả hệ thống, nên tôi nghĩ tới đây sẽ có những biến chuyển.

Cần phải khoán cả nhà ở

Rõ ràng khoán xe công đang tạo ra dư luận tốt, tiết kiệm cho ngân sách nhiều tỉ đồng. Theo ông thì tới đây có thể tiếp tục khoán gì nữa?

Ở thời điểm xây dựng góp ý kiến về Nghị quyết chi tiêu trong các cơ quan của Quốc hội, chúng tôi cũng bàn đến cả vấn đề khoán nhà để xóa bỏ tình trạng biến nhà công vụ thành nhà riêng bừng hình thức hóa giá nhà. Vấn đề này lúc đó đang rất nhức nhối, việc “hóa giá nhà” đem lại hàng chục, hàng ngàn cây vàng cho một số cán bộ. Tình trạng người được cấp nhà cấp đất cũng nhiều.

Tôi đề xuất khoán định mức nhà ở chứ không cấp nhà đất cho cán bộ nữa, vì như thế thì ngân sách chịu sao cho nổi. Việc cán bộ ở nhà công vụ rồi biến thành nhà riêng, bán đi lấy tài sản, là chuyện không bình thường. Nếu không có chuyện cấp đất cấp nhà mà khoán định mức nhà ở vào lương thì sẽ hạn chế được điều đó.

Nhưng đến giờ việc “hóa giá nhà” vẫn là vấn đề khó giải quyết?

Đúng thế, bởi chúng ta chưa chủ trương làm. Thay vì xây nhà công vụ rồi cấp cho cán bộ thì tốt nhất là trả tiền thuê nhà cho cán bộ. Mức giá thuê theo thị trường sẽ tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách.

Ở thời điểm này chúng ta có nên bàn chuyện khoán nhà?

Thực ra có một thời kỳ rộ lên cái chuyện “hóa giá nhà”, cán bộ hết nhiệm kỳ là ở ở lì đấy, rồi nhà nước bán cho với mức giá rất rẻ. Giá nhà đất ở Hà Nội và TP HCM thì cao kinh khủng lắm. Nên chăng chúng ta phải quy định lại ai được ở nhà công vụ, khi cán bộ hoàn thành nhiệm vụ thì phải trả lại nhà ra sao.

Cùng với đó là khoán một số tiền cố định để cán bộ tự lo nhà ở, cán bộ tự sắp xếp. Tôi hy vọng là chúng ta sẽ dũng cảm, quyết liệt để làm tới cùng những chuyện này, quyết tâm thực hiện chính quyền liêm chính, kiến tạo.

Xin cảm ơn ông!

Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công, việc khoán xe kinh phí xe công từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại sẽ là bắt buộc với các chức danh có hệ số phụ cấp từ 1,25 đến thứ trưởng và tương đương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng chính phủ quyết định thành lập. Hiện tại trong quy định hiện hành, các chức danh trên vẫn được bố trí xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Với tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô phục vụ công tác chung, tờ chình của Bộ Tài chính dẫn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phấn đấu tới năm 2020 có thể giảm từ 30 – 50% số lượng ô tô phục vụ công tác chung của các bộ, ngành, địa phương, trừ các đơn vị địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top