Chữa đại tiện táo kết: Khoai lang nấu chè với hạt vừng, bột sắn dây, thêm chút mật ong, ăn hàng ngày. Hoặc khoai lang 1 củ, gọt sạch vỏ, giã nát (hoặc xay sinh tố), vắt lấy nước uống.
Chữa co thắt động mạch vành gây đau thắt ngực: Khoai lang lượng vừa phải, nấu canh với Mộc nhĩ, nấm hương. Ăn liền trong 10 – 15 ngày. Bài thuốc này có tác dụng làm giảm mỡ trong máu, thông huyết mạch.
Chữa viêm phế quản: Khoai lang 30g, lá dâu 20g, nấu canh ăn ngày 1 lần, ăn liên tục trong vài ngày.
Chữa đái tháo đường: Khoai lang, củ mài, nấu canh hoặc nấu chè ăn hàng ngày. Hoặc lá khoai lang tươi 200g, bí đao 100g, sắc uống ngày 1 thang.
Chữa mụn nhọt, lở ngứa: Khoai lang giã nát, đắp lên chỗ tổn thương.
Phòng áp xe do tiêm: Ngay khi mới sưng tấy, củ Khoai lang giã nát, đắp lên vùng tiêm mới sưng tấy.
Chữa mưng nhọt, viêm tuyến sữa chưa bị vỡ ra: Khoai lang trắng rửa sạch, gọt vỏ, đập nát đắp vào chỗ đau. Cũng có thể đun chín cho thêm tỏi đập dập trộn lẫn mà đắp ngoài da ở chỗ đau.
Chữa đau bụng sau khi sinh: Khoai lang 250g, nướng chín, bỏ vỏ, ăn với rượu mùi khoảng 1 chén nhỏ.
Chữa phù thũng: Khoai lang 250g, gừng sống 2 lát. Đem củ khoai lang khoan thành 1 lỗ nhỏ, đút lát gừng sống vào. Nướng cho chín. Mỗi ngày 2 lần ăn vào sáng và chiều.
Chữa sau khi đẻ thiếu sữa: 250g lá Khoai lang, 200g thịt lợn. Rửa sạch lá Khoai lang, cắt nhỏ. Thịt rửa sạch xắt miếng cho vào nồi nêm gia vị, thêm nước. Lúc đầu đun lửa to cho sôi, sau hầm lửa nhỏ cho thịt nhừ làm canh.
Chữa đi ngoài khô cứng: 250g lá Khoai lang tươi, xào cho thêm dầu mè, muối, ăn ngày 2 lần sáng và chiều.
Chữa vết giời leo: Lá Khoai lang tươi, chút ít băng phiến, cùng đập nát nghiền nhỏ, đắp vào vết đau.
Chữa chứng quáng gà: Lá khoai lang xào với gan lợn mà ăn.
Lương y Hoài Vũ (Hội Đông Y Việt Nam)