Hy hữu: Cứu chữa bệnh nhân giãn động mạch phổi ho ra máu tắc nghẽn

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh nhân bất ngờ ho ra máu dồn dập. Số lượng máu bị mất ước lượng khoảng nửa lít… Đây là ca bệnh khó nhưng đã được các bác sĩ Bệnh viện Phổi TƯ cứu sống.

Giãn động mạch phổi gây ho ra máu tắc nghẽn

Khi chúng tôi tới Bệnh viện Phổi TƯ muốn tìm hiểu một số ca bệnh khó đã được các bác sĩ nơi đây điều trị thành công, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương cùng BS. Chuyên khoa II Nguyễn Thành Long, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức đã nhắc ngay tới ca bệnh giãn động mạch phổi.

Đó là trường hợp bệnh nhân Đào Duy Q. (Hà Nội). Anh Q. không có tiền sử bệnh gì, một hôm đang xem đá bóng cùng bạn bè thì bất ngờ ho vài tiếng và có dính chút máu. Mặc dù sức khỏe không có biểu hiện gì, nhưng anh Q đã tới Bệnh viện thăm khám, các bác sĩ nghi ngờ anh bị bệnh lao và chuyển anh tới Bệnh viện Phổi TƯ.

Sau 3 ngày nhập viện, bất ngờ anh Q. ho ra máu dồn dập. Số lượng máu bị mất ước lượng khoảng nửa lít. Bệnh nhân được đưa lên khoa gây mê phẫu thuật để mổ cấp cứu.

BSCK II Nguyễn Thành Long cho biết, ca bệnh này được cứu sống thành công là sự phối hợp của cả một ê kíp gồm nhiều khoa phòng trong viện: hồi sức, ngoại khoa, phục hồi chức năng.... Cuộc hồi sức trong đêm ngay trên bàn mổ cho bệnh nhân Q. giống như một cuộc chạy đua với tử thần. Khi đặt ống nội khí quản, các bác sĩ thấy cả hai bên đường thở đều bị nhiều cục máu đông bít, tắc khiến bệnh nhân không thở được, oxy tụt.

Ngay lập tức các bác sĩ phải thông rửa phế quản cho bệnh nhân. Khi máu chảy ra từ phổi bên phải nhưng chảy tới ngã 3 đoạn chia khí phế quản thì bị tràn và bít cả phổi bên trái. Các bác sĩ phải dùng các ống hút nhỏ thông hút đường thở qua 2 nòng ống nội khí quản. Trong suốt đêm đó, chỉ mong sao bệnh nhân không không tiếp tục ho ra máu. Nếu tiếp tục họ, đường máu sẽ tắc nốt đường khí quản bên còn lại và bệnh nhân sẽ tử vong.

Sau 6h hồi sức, cả bệnh viện đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân vào ngày hôm sau. Ca mổ diễn ra 2h đồng hồ và rất khẩn trương nhanh gọn tránh cho bệnh nhân một cuộc mổ kéo dài.

Ngày thứ 2 sau mổ, bác sĩ quyết định phải rút máy thở cho bệnh nhân tự ho, khạc. Tuy nhiên, do bệnh nhân bị gây mê và thở máy nên không có đủ sức để khạc đờm, máu ra. Các bác sĩ khoa phục hồi chức năng áp dụng chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho bệnh nhân, đồng thời dùng nhiều biện pháp vỗ, xoa bóp lưng và hướng dẫn cho bệnh nhân ho khạc được mà không bị tốn nhiều sức lực. Kết quả là bệnh nhân Q. đã khạc được ra cả những cục máu đông rất lớn. Sau gần 1 tháng nằm viện, bệnh nhân Q. đã ổn định và xuất viện, trong sự nghẹn ngào cảm ơn của gia đình đối với tập thể y bác sĩ.

Xuất hiện ho ra máu sét đánh trên nền bệnh lao

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, bệnh viện Phổi Trung ương thường xuyên tiếp nhận rất nhiều các bệnh nhân bị ho ra máu với số lượng ít. Với các bệnh nhân như vậy, tất cả các khoa khối Nội đều có thể xử trí được. Nhưng trường hợp anh Q. bị giãn động mạch phổi gây ho ra máu tắc nghẽn được cứu sống là một trong những trường hợp hiếm gặp.

Ho ra máu có thể ngắn chỉ một vài lần, thậm chí trong một ngày hoặc kéo dài hơn 5-7 ngày rồi bớt dần và ngừng hẳn. Có trường hợp ho ra máu kéo dài cả tháng, thành từng đợt, mỗi đợt cách nhau vài ngày. Trung bình thì máu ra nhiều trong vài ba hôm rồi bớt dần và hết sau 10-15 ngày. Đuôi máu là thời điểm sau khi ho ra máu nhiều, máu màu đỏ tươi, hay ra số lượng ít dần, màu nâu, nâu xám, màu gỉ sắt hay bã trầu. Đó là giai đoạn đi đến ngừng hẳn của ho ra máu, có giá trị báo hiệu.

 Nói với ca bệnh này, PGS.TS Nhung cho hay, bệnh nhân Q. bị ho ra máu sét đánh. Đây là chứng bệnh diễn biến rất nhanh khiến các bác sĩ không kịp trở tay. Bệnh nhân ho ra máu dồn dập giống như kiểu bị cắt tiết gà, máu chảy ra từ động mạch phổi, đóng đông thành từng cục và bít tắc đường thở, chỉ sau một vài phút sẽ suy hô hấp, trụy tuần hoàn. Như tên gọi của tình trạng này, nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao do mất máu và suy hô cấp.

Khó khăn nhất của ca bệnh này là chẩn đoán nhanh và đúng bệnh. Ca bệnh này khá đặc biệt bởi quá trình hồi sức của bệnh nhân kéo dài từ trước khi lên bàn mổ tới cả trong và sau khi mổ. Bệnh nhân Q. không phải đột nhiên bị bệnh mà xuất hiện ho ra máu sét đánh trên nền bị bệnh lao dù tuổi còn trẻ, có sức khỏe, điều kiện kinh tế khá và không có biểu hiện bệnh. Bệnh lao từ trước tới nay thường gặp ở những người có điều kiện kinh tế khó khăn, cao tuổi.

Biết cách xử lý tránh điều đáng tiếc

BSCK II Nguyễn Thành Long khuyên đối với bệnh nhân ho ra máu nhẹ (Khi lượng máu ho ra dưới 50ml/ngày. Máu ho ra chỉ thành vệt, lẫn trong chất khạc hoặc chỉ ho ra vài ngụm máu nhỏ), việc cần thực hiện là: Nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, dùng các thuốc an thần cầm máu, giảm ho... Đặc biệt, bệnh nhân cần giảm các hoạt động, uống nước mát, lạnh, ăn lỏng (sữa, súp) hoặc nửa lỏng (cháo, mì, miến, phở...), không ăn các thức ăn khó tiêu, không uống các đồ uống có chứa cồn hoặc chất kích thích.

Ho ra máu nhẹ có thể điều trị và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, sau khi cầm được máu, tình trạng ổn định vẫn cần phải đưa bệnh nhân đi khám xác định nguyên nhân ho ra máu để điều trị triệt để. Nếu ra máu nhiều hơn hoặc ra máu dai dẳng phải chuyển bệnh nhân đến bệnh viện điều trị ngay. 

Ho ra máu trung bình: Khi lượng máu ho ra từ 50-200 ml/ngày. Bệnh nhân cần được điều trị tại bệnh viện.

Ho ra máu nặng: Khi lượng máu ho ra trên 200ml/ngày. Bệnh nhân cần được điều trị và theo dõi tại bệnh viện. Trường hợp mất máu nhiều cần thiết phải truyền máu.

Có nhiều nguyên nhân ho ra máu nên việc phòng ngừa cần phòng ngừa nguyên nhân. Đặc biệt phòng ngừa và điều trị sớm các bệnh về hô hấp (lao, viêm phế quản...), tránh hút thuốc, điều trị bệnh huyết áp...

Vì vậy, PGS.TS Nhung khuyến cáo, người dân nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để dễ kiểm soát bệnh tật nói chung và bệnh lao nói riêng. Hiện nay, Việt Nam đang trong lộ trình dự định tới năm 2020 sẽ thanh toán bệnh lao.

Để tầm soát và phát hiện bệnh lao sớm, người dân có thể tới tất cả các Trung tâm Y tế cơ sở trên cả nước tiến khám bệnh miễn phí. Nếu có các triệu chứng: sốt nhẹ về chiều, ăn kém, mệt mỏi, sút cân, xuất hiện những dấu hiệu viêm nhiễm kéo dài thì có thể nghĩ tới bệnh lao…

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top