Hy hữu: 9 tiếng “cân não” lấy khối u gan 20cm xâm lấn cơ hoành

Các bác sĩ đã phải sử dụng hệ thống hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể để cắt bỏ hoàn toàn gan phải, lấy huyết khối từ tĩnh mạch chủ dưới và tái tạo lại mạch máu cho bệnh nhân. Người mắc viêm gan B cần cẩn thận.

9 giờ cân não để cứu người bệnh

Bệnh nhân nam Đ.N. T (42 tuổi) nhập Khoa Ngoại Gan mật, Tiêu hóa và Ung bướu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng khối u gan gần 20 cm xâm lấn cơ hoành, có cả huyết khối thân chung tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch chủ dưới lan tới sát tim. Khối u rất lớn, thường xuyên gây ra những cơn đau cho bệnh nhân, kèm theo nguy cơ vỡ bất kỳ lúc nào.

Ngoài ra, huyết khối thân chung tĩnh mạch cửa cũng có thể dẫn đến suy gan cấp và các biến chứng như vỡ giãn tĩnh mạch thực quản. Đặc biệt, huyết khối tĩnh mạch chủ dưới với nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư gan đã tiến triển đến giai đoạn cuối, xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới và tĩnh mạch cửa.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân T được chẩn đoán mắc viêm gan B thể hoạt động từ năm 2014. Tuy nhiên, do cuộc sống bận rộn, bệnh nhân không tuân thủ điều trị. Đầu năm 2024, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy đau tức hạ sườn phải và sút cân nghiêm trọng, mất khoảng 8-10 kg. Đến tháng 5/2024, bệnh nhân được phát hiện là ung thư gan giai đoạn muộn.

BS CKII Nguyễn Trường Giang, khoa Ngoại Gan mật, Tiêu hóa và Ung bướu cho biết: Khối u của bệnh nhân không chỉ gây đau đớn liên tục mà còn có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Nếu không phẫu thuật, sẽ dẫn đến suy gan cấp, gây tử vong nhanh chóng.

Khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi đã cân nhắc có ba yếu tố chính trong trường hợp này: Thứ nhất là toàn trạng bệnh nhân: Bệnh nhân 42 tuổi, còn trẻ và mặc dù mắc viêm gan B mạn tính nhưng các chức năng cơ bản của cơ thể vẫn ổn định. Bệnh nhân đủ khả năng chịu đựng một ca phẫu thuật lớn.

Thứ hai chức năng gan: Trước phẫu thuật, các xét nghiệm chức năng gan của bệnh nhân cho thấy phần gan còn lại sau khi cắt gan phải vẫn đủ để duy trì hoạt động, giảm thiểu nguy cơ suy gan sau mổ.

Thứ ba giai đoạn bệnh: Mặc dù bệnh nhân đã ở giai đoạn ung thư tiến xa, nhưng mục tiêu của phẫu thuật không phải là chữa khỏi hoàn toàn mà là kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo BSCKII Nguyễn Trường Giang: Đây là một ca phẫu thuật rất khó khăn, bởi bệnh nhân ở giai đoạn cực kỳ muộn, với khối u lớn, xâm lấn mạch máu chính. Tỷ lệ thành công trong những trường hợp như thế này là rất thấp. Nhưng phẫu thuật lại là lựa chọn duy nhất vào thời điểm hiện tại.

Đứng trước sự quyết tâm của bệnh nhân và gia đình, sẵn sàng chấp nhận mọi nguy cơ, vì vậy, tất cả ê kíp từ phẫu thuật viên, bác sỹ gây mê, bác sỹ hồi sức, các điều dưỡng, kỹ thuật viên, các nhân viên phòng vật tư, khoa dược,… đã dốc sức để ca phẫu thuật diễn ra.

Ca phẫu thuật kéo dài gần 9 giờ đồng hồ, bao gồm việc cắt bỏ hoàn toàn gan phải (kích thước gần 20 cm), lấy huyết khối từ tĩnh mạch chủ dưới và tái tạo lại mạch máu.

Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân phải sử dụng hệ thống hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể để duy trì sự ổn định tuần hoàn máu. Đặc biệt, các bác sĩ phải đối mặt với thách thức lớn về tình trạng rối loạn đông máu, mất máu nhiều và toan chuyển hóa nặng.

Khối u gan khổng lồ được cắt bỏ thành công - Ảnh BVCC

Khối u gan khổng lồ được cắt bỏ thành công - Ảnh BVCC

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực, tình trạng của bệnh nhân bắt đầu cải thiện sau hai ngày. Đến ngày thứ năm sau phẫu thuật, bệnh nhân đã được rút ống thở và các cơ quan dần hồi phục. Hiện bệnh nhân đã ổn định và ra viện.

"Tại thời điểm này, trên thế giới chưa có phác đồ điều trị tối ưu cho các trường hợp ung thư gan tiến xa như của bệnh nhân. Phẫu thuật vẫn là phương án điều trị có tỷ lệ thành công cao nhất. Tuy nhiên, chúng tôi phải theo dõi cực kỳ sát sao trong quá trình hồi phục để tránh các biến chứng nguy hiểm.". Bác sĩ Giang chia sẻ.

Hơn 60% người ung thư gan liên quan đến viêm gan B

Để người bệnh mắc viêm gan B không mắc phải các sai lầm đáng tiếc, BS CKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Tại Việt Nam, hơn 60% người ung thư gan liên quan đến mắc viêm gan B.

Thông thường, người mắc viêm gan B mạn thường thấy khỏe mạnh và không có triệu chứng. Do đó người bệnh thường chủ quan và bệnh sẽ tiến triển nặng lên mà không hề hay biết.

Chính vì vậy, người mắc viêm gan B cần tuân thủ lịch khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm hoặc gan mật. Điều này là vô cùng quan trọng, giúp cho người bệnh trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh của mình, cũng như phát hiện kịp thời giai đoạn bệnh để điều trị, ngăn ngừa các biến chứng suy gan, xơ gan, và ung thư gan xảy ra.

Người bệnh ổn định sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Người bệnh ổn định sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Hiện tại, thuốc điều trị đặc hiệu viêm gan B là các thuốc kháng vi rút giúp ức chế vi rút viêm gan B. Có nhiều thuốc kháng vi rút khác nhau, phù hợp với từng người bệnh cụ thể nên bạn cần trao đổi với bác sĩ để có được cách thức điều trị tốt nhất phù hợp với bạn.

Nếu bạn là người lớn mắc viêm gan B cấp, khả năng tự hồi phục và thải sạch vi rút là 95% (coi như khỏi bệnh). Vì vậy bạn cần nghỉ ngơi và tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, không dùng các thuốc không rõ nguồn gốc ( đặc biệt là các loại lá, thuốc bắc, thuốc nam..) vì có thể suy gan suy thận do các thuốc không rõ nguồn gốc này.

Nếu mắc viêm gan B mạn, khả năng hồi phục và thải sạch vi rút có thể xảy ra nếu như bạn tuân thủ uống thuốc kháng vi rút hàng ngày và kéo dài nhiều năm. Quan trọng hơn là việc uống thuốc kháng vi rút kéo dài giúp giảm thiểu nguy cơ xơ gan và ung thư gan trong tương lai.

Theo Đời sống
Nhìn mờ - nguy cơ tiềm ẩn của đột quỵ

Nhìn mờ - nguy cơ tiềm ẩn của đột quỵ

Việc nhầm lẫn giữa nhìn mờ do đột quỵ và các bệnh về mắt là một vấn đề phổ biến, sự chủ quan có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khiến người bệnh mất đi cơ hội điều trị sớm hoặc để lại những di chứng nặng nề.
back to top