Cắt bỏ khối u máu gan khổng lồ kích thước xấp xỉ 30 cm

Bụng to bất thường người đàn ông 46 tuổi bất ngờ với khối u máu gan chiếm toàn bộ ổ bụng. U máu gan là bệnh lành tính ít triệu chứng mọi người chớ nên chủ quan.

Vừa qua, Khoa Phẫu thuật Gan mật tuỵ - Bệnh viện TWQĐ 108 tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện vì bụng to bất thường và có khối u gan to chiếm gần hết vùng bụng. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt phần gan có chứa khối u. Kết quả giải phẫu bệnh là U huyết quản khổng lồ của gan (u máu gan) với đường kính xấp xỉ 30 cm.

Theo lời kể của bệnh nhân N.T.H (46 tuổi, Thái Bình), thời gian gần đây bệnh nhân có biểu hiện đau tức bụng, ăn uống hay bị đầy tức bụng do khối u kích thước lớn chèn ép nhập viện trong tình trạng khối u chiếm gần hết khoang bụng. Sau khi thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng, tại Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy, Bệnh viện TWQĐ 108 các bác sĩ chẩn đoán: U máu khổng lồ gan trái, kích thước gần 30 cm.

Khối u máu gan khổng lồ trên phim chụp

Khối u máu gan khổng lồ trên phim chụp

Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u máu khổng lồ cho bệnh nhân. Sau mổ bệnh nhân được điều trị tích cực dự phòng suy gan và chảy máu sau mổ đồng thời phối hợp tập ăn và vận động sớm. Các diễn biến lâm sàng và cận lâm sàng đều cải thiện tốt, bệnh nhân ra viện ổn định vào ngày thứ 7 sau mổ, không có biến chứng sau mổ. Kết quả giải phẫu bệnh là u huyết quản thể hang của gan.

U máu gan không có triệu chứng rõ rệt và thường được phát hiện tình cờ khi kiểm tra sức khỏe, siêu âm gan hoặc chụp cắt lớp vi tính. Khi u máu phát triển có kích thước lớn gây triệu chứng như: đau bụng, chướng bụng… thì cần điều trị phẫu thuật cắt gan. Khi có u máu kích thước nhỏ hoặc chưa gây triệu chứng như trên, người bệnh cần theo dõi bằng siêu âm 2-3 tháng/ lần để theo dõi sự phát triển của khối u.

Trong y văn, hầu hết u máu gan đều không có triệu chứng và lành tính, đường kính lớn hơn 5 cm có thể gây ra các triệu chứng. Đau bụng là biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất do hậu quả của việc co kéo vỏ gan. Giảm tiểu cầu có thể xảy ra do sự cô lập tiểu cầu và phá hủy bên trong khối u (hội chứng Kasabach-Merritt).

Với sự tiến bộ và sử dụng ngày càng nhiều các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác nhau, u máu gan không có triệu chứng được chẩn đoán thường xuyên hơn. Siêu âm có một vai trò có giá trị trong chẩn đoán hầu hết các u máu gan. Chụp cắt lớp vi tính được sử dụng để xác nhận phát hiện khi siêu âm và trong trường hợp phát hiện không rõ ràng của siêu âm.

Hình ảnh của u máu gan trên CT là dấu hiệu mống mắt khép kín sau khi tiêm chất cản quang (CT động). MRI rất có giá trị để phân biệt u máu với các tổn thương gan khác, đặc biệt là đối với u máu nhỏ. Chụp động mạch có thể có vai trò trong đánh giá trước phẫu thuật u máu. Sinh thiết gan nên tránh vì có nguy cơ chảy máu trong ổ bụng đe dọa tính mạng.

Các phương pháp điều trị u máu gan bao gồm: theo dõi hoặc can thiệp phẫu thuật. Một số tác giả cho rằng hầu hết u máu gan không cần điều trị và chỉ cần theo dõi thông qua chẩn đoán hình ảnh định kỳ mỗi 6 tháng hoặc hàng năm để đánh giá tiến triển khối u theo thời gian.

Phẫu thuật điều trị u máu kích thước lớn là an toàn và hiệu quả. Điều trị phụ thuộc kinh nghiệm của phẫu thuật viên, tình trạng bệnh nhân, chức năng phần gan còn lại, tình trạng gan, kích thước, số lượng và vị trí của khối u. Một trong những điều quan trọng là cần phát hiện sớm khối u để có thể điều trị.

Ca phẫu thuật u máu gan khổng lồ tại bệnh viện TƯQĐ 108

Ca phẫu thuật u máu gan khổng lồ tại bệnh viện TƯQĐ 108

U máu gan là khối u gan lành tính phổ biến nhất tại gan với tỷ lệ 0,4 - 20% khi khám nghiệm tử thi. Với sự tiến bộ và sử dụng phổ biến các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, u máu không có triệu chứng được chẩn đoán sớm và nhiều hơn. Hầu hết u máu được phát hiện ở nữ (tỷ lệ nữ so với nam là 5: 1) và thường gặp trong độ tuổi 30-50.

Nguyên nhân của u máu không rõ ràng, nó được coi là dị tật mạch máu bẩm sinh và không tăng sinh tế bào. Thông thường, U máu không có triệu chứng và thường được phát hiện tình cờ trong quá trình chẩn đoán hình ảnh và kích thước thường nhỏ, ổn định và có thể được theo dõi định kỳ.

U máu kích thước lớn (đường kính > 5 cm) có thể không có triệu chứng hoặc gây ra các triệu chứng hoặc biến chứng khác nhau như: đau bụng, sốt, vàng da và vỡ có thể tự phát hoặc chấn thương. U máu gan khổng lồ khi kích thước trên 15 cm và có nguy cơ gây các triệu chứng chèn ép tạng trong ổ bụng.

TS.BS Lê Trung Hiếu (Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy, Bệnh viện TWQĐ 108)

Theo Đời sống
Vì sao công an khởi tố Hải Idol?

Vì sao công an khởi tố Hải Idol?

Phạm Đức Hải và 3 đồng phạm trên bị khởi tố liên quan vụ việc dàn xe rước dâu dừng trên đường cao tốc (trục Bắc Nam, đoạn chạy qua địa phận xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) để dàn cảnh chụp ảnh, quay video...
back to top