Ngày 12/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện.
Thủ tướng nhấn mạnh, khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện không ngừng được hoàn thiện. Các tổ chức cung ứng, kênh phân phối tiếp tục được rà soát, sắp xếp lại và phát triển hợp lý hơn. Các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được tích cực cải thiện. Cơ sở hạ tầng tài chính tiếp tục được hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng. Giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; Bảo vệ người tiêu dùng tài chính được quan tâm và tích cực triển khai. Công tác tuyên truyền đã làm tốt, có nhiều cách làm mới.
Về mục tiêu, Thủ tướng chỉ rõ người dân phải được tiếp cận bình đẳng với dịch vụ tài chính, nhất là công dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, công dân thuộc đối tượng là người yếu thế, học sinh, sinh viên. Thông qua cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số để có cách tiếp cận bình đẳng, toàn diện về chiến lược tài chính quốc gia, để chúng ta đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong quá trình phát triển.
Mục tiêu thứ hai là người dân phải được hưởng thụ thành quả từ chiến lược tài chính toàn diện này một cách thực sự, liên quan đến nguồn vốn, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử, góp phần nâng cao đời sống tinh thần vật chất của chính người dân.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh xây dựng chương trình phát triển công dân số trên cả nước để "không ai bị bỏ lại phía sau". |
Mục tiêu thứ ba là người dân được bảo vệ an toàn, an ninh khi tiếp cận các dịch vụ mang tính số hóa.
Thủ tướng đã chỉ rõ 6 nhóm giải pháp nhiệm vụ, trong đó nhấn mạnh yêu cầu việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, để vừa thúc đẩy phát triển, vừa quản lý, vừa bảo vệ người dân khi tham gia chiến lược tài chính toàn diện một cách hiệu quả, công bằng, đảm bảo hành lang pháp lý thông thoáng, tổ chức thực hiện thật tốt.
Phát triển hạ tầng đồng bộ, thông thoáng, trên khắp trên phạm vi cả nước nhất là hạ tầng cho vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, đặc biệt là hạ tầng thông minh 5G…
Xây dựng chương trình phát triển công dân số trên cả nước để "không ai bị bỏ lại phía sau"; Thúc đẩy mạnh hơn nữa thanh toán không dùng tiền mặt, phải xây dựng lộ trình bước phù hợp đi cụ thể cho từng bộ ngành, địa phương, vùng miền.
Thủ tướng yêu cầu năm 2025 phải có lộ trình cụ thể trong việc này. Khi tổ chức thực hiện phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó. Đa dạng hóa cách làm, phương pháp truyền thông để phù hợp với các địa bàn, đối tượng, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong toàn dân. Bố trí nguồn lực để phục vụ cho chiến lược tài chính toàn diện; Các bộ ngành địa phương phối hợp hiệu quả, nhiệm vụ này hỗ trợ nhiệm vụ kia, địa phương này hỗ trợ địa phương khác để đảm bảo nhịp nhàng hiệu quả.