Hơn 2.900 công trình chưa nghiệm thu PCCC ở Hà Nội cần lấy sở Nội vụ làm gương

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa ủng hộ quyết định tạm đình chỉ hoạt động trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội để làm gương cho hàng nghìn công trình ở Thủ đô chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa vào hoạt động.

Trong năm 2022, người dân TP Hà Nội cũng như cả nước chứng kiến hàng loạt vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điển hình là 2 vụ cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) và TP Thuận An (Bình Dương) làm 35 người chết.

Riêng trên địa bàn TP Hà Nội, hiện nay, qua rà soát cơ quan chức năng ghi nhận hơn 2.900 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào hoạt động. TP Hà Nội giao các quận, huyện yêu cầu tất cả chủ đầu tư cam kết khắc phục vi phạm.

Điều đó phần nào cho thấy công tác quản lý phòng cháy chữa cháy và ý thức về phòng chống cháy nổ của chủ đầu tư các tòa nhà và người dân trên địa bàn Thủ đô chưa được nghiêm.

Thực tế, theo như đánh giá của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu buông lỏng trong quản lý.

Trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội tại số 18 - Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm. Ảnh: Tuấn Anh.

Do vậy, việc Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm ký quyết định tạm đình chỉ hoạt động trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội trong 1 tháng (từ 8h ngày 24/11 đến 8h ngày 24/12) để sở này khắc phục một số hạng mục chưa đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật.

Năm 2015 trụ sở của đơn vị được sửa chữa, cải tạo. Trụ sở Sở Nội vụ vi phạm các lỗi thi công không đúng theo hồ sơ thiết kế được thẩm duyệt. Cụ thể, như hai cầu thang bộ dạng hở, cải tạo tầng tum thành nhà ăn tầng 7, hệ thống phòng cháy chữa cháy không đảm bảo và không có hệ thống cấp nước ngoài nhà.

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội), đây là lần đầu tiên ông được biết một cơ quan hành chính nhà nước như Sở Nội vụ Hà Nội bị tạm đình chỉ hoạt động trụ sở về việc không đảm bảo phòng cháy chữa cháy.

“Với hàng loạt vụ cháy nổ gây chết người như thời gian vừa qua, tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định nghiêm khắc của Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm”, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa chia sẻ.

Theo ông Phạm Văn Hòa, việc Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm quyết định tạm đình chỉ hoạt động trụ sở Sở Nội vụ cho thấy bất kỳ cơ sở nào, dù là của Nhà nước hay doanh nghiệp, người dân khi không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy đều phải bị đình chỉ hoạt động để đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân.

Ông Hòa cho rằng, với cơ quan Nhà nước càng cần phải làm gương về phòng chống cháy nổ để doanh nghiệp và người dân làm theo. Do vậy, sau việc Sở Nội vụ bị tạm đình chỉ, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Công an TP Hà Nội cần rà soát xem liệu có còn cơ quan nào trên địa bàn Thủ đô không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy?, từ đó công bố công khai để nhân dân giám sát.

“Tính mạng và tài sản của người dân cần phải đặt lên hàng đầu. Do vậy, không có lý do gì để nói là trụ sở cơ quan Nhà nước thì được châm chước trong phòng chống cháy nổ, còn của người dân, doanh nghiệp vi phạm thì bị xử lý nghiêm”, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Trước đó, sau hơn 24 giờ bị tạm đình chỉ hoạt động, chiều 25/11, Công an quận Hoàn Kiếm thông báo trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội đã đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Trong thông báo, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, qua kiểm tra nhận thấy trụ sở cơ quan Sở Nội vụ đã tiến hành khắc phục các tồn tại về phòng cháy chữa cháy để đi vào hoạt động.

Theo Quang Phong/Vietnamnet
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top