Cùng một ngày, hai công văn, không biết học hay nghỉ
Sáng 31/1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký công văn nhất trí với đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc cho học sinh trên địa bàn thành phố nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sớm hơn 1 tuần để bảo đảm an toàn, phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, toàn bộ học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, nhóm trẻ mầm non tư thục trên địa bàn TP Hà Nội bắt đầu nghỉ học từ ngày 1/2/2021,
Thời gian nghỉ kéo dài tới hết lịch nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã thông báo trước đó, tức là đến hết ngày 16/2/2021.
Tuy nhiên, cũng trong cùng ngày 31/12, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến đã ký công văn số 356/SGDĐT-GDPT gửi Trưởng phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã; Hiệu trưởng các trường THPT; Hiệu trưởng các trường chuyên biệt trực thuộc; Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội hướng dẫn tổ chức dạy học qua internet trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, để duy trì nền nếp, đảm bảo chất lượng dạy và học trong thời gian các trường cho học sinh tạm nghỉ học ở trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tiếp tục duy trì, tổ chức có chất lượng các hoạt động dạy và học trong nhà trường bằng hình thức học qua Internet; đảm bảo việc dạy học theo đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT và kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Sở yêu cầu Hiệu trưởng nhà trường quản lý chặt chẽ thời gian, kế hoạch dạy học của từng giáo viên; chỉ đạo, tổ chức, phân công giáo viên chuẩn bị bài giảng và tổ chức giảng dạy qua internet cho học sinh bình thường theo thời khóa biểu chung của nhà trường. Lãnh đạo các trường cần tăng cường kiểm tra về thời gian, nội dung, chất lượng dạy học qua Internet của từng giáo viên trong trường.
Hai công văn đến cùng một ngày khiến nhiều giáo viên bối rối. Các phụ huynh tiếp nhận thông tin với hai nội dung khác nhau từ hai công văn cũng hoang mang, không biết con sẽ nghỉ Tết luôn hay tiếp tục học trực tuyến.
Một số phụ huynh khi cô giáo thông báo sẽ học trực tuyến trên nhóm lớp vẫn thắc mắc: Không biết thông tin cô giáo đưa là đúng, hay thông tin từ công văn của UBND TP Hà Nội mới đúng?
Học trực tuyến, không nghỉ Tết sớm để ra Tết ổn định ngay
Việc có nên cho học sinh học trực tuyến, hay nghỉ Tết sớm cũng là vấn đề gây tranh luận. Chị Vũ Thanh Huyền (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, chị không hiểu sao chỉ còn vài ngày nữa là nghỉ Tết mà Sở GD&ĐT Hà Nội không cho học sinh nghỉ Tết luôn, lại bắt các em học trực tuyến. Như vậy, hiệu quả học tập không cao, trong khi đó, cả giáo viên và học sinh cùng vất vả.
Một số giáo viên chia sẻ, việc đột ngột chuyển sang học trực tuyến khiến các thầy cô vất vả rất nhiều. Nhiều giáo viên đã phải làm việc cả ngày chủ nhật, tới tận 12h đêm để chuẩn bị cho việc dạy trực tuyến. Riêng việc dò lại mật khẩu tài khoản học trực tuyến cho học sinh, với những em quên mật khẩu cũng mất rất nhiều thời gian. Có một số giáo viên tuổi cao, không thành thạo về công nghệ, sau một thời gian không dạy trực tuyến đã bị quên các thao tác, giờ lại phải lần lại từ đầu.
Tuy nhiên, các giáo viên khẳng định, việc học trực tuyến là cần thiết trong việc duy trì nề nếp học tập cho các em.
“Nhiều phụ huynh cho rằng, vài buổi học trực tuyến trước khi nghỉ Tết Tân Sửu cũng không có ý nghĩa nhiều về mặt cung cấp kiến thức cho các em. Các thầy cô quá vất vả, phụ huynh cũng phản đối nhiều. Tuy nhiên, nếu cho các em nghỉ Tết sớm, giả sử ra Tết tiếp tục phải học trực tuyến, thì các em sẽ mất thời gian khởi động lại, chệch choạc. Việc học trực tuyến ở thời điểm này sẽ giúp duy trì nề nếp học tập, việc học không bị gián đoạn. Sau khi nghỉ Tết, các em có thể ổn định việc học luôn”, cô giáo Lê Hương Giang, Trường THPT Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ.
Trao đổi về quyết định cho học sinh học trực tuyến, thay vì nghỉ Tết sớm, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội đã có quyết định về việc cho toàn bộ trẻ mầm non, học sinh các cấp nghỉ học từ ngày 1/ 2 để phòng, ngừa dịch Covid-19. Tuy nhiên, với tinh thần tạm dừng đến trường, không dừng việc học, Sở GD&ĐT đã ký quyết định gửi các Phòng GD&ĐT về việc triển khai dạy học trực tuyến,
Việc học trực tuyến này sẽ giúp duy trì nề nếp học tập cho các em. Giả sử, trong trường hợp ra Tết dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, thì các em có thể bắt nhịp luôn với việc học trực tuyến, chứ không mất thời gian gián đoạn hay làm quen nữa.
Theo yêu cầu của Sở, các trường tiến hành rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT cũng như hướng dẫn của Sở GD&ĐT đã ban hành để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp.
Khi học sinh đi học trở lại, các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập trực tuyến. Từ đó hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung, kiến thức đã học qua hình thức này nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.
Nhà trường phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý việc học trực tuyến; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh.
Ngày 1/2, UBND TPHCM đã có văn bản cho phép học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố dừng đến trường từ ngày 2/2, thực hiện việc chuyển đổi sang hình thức dạy và học trên internet, đảm bảo kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021.
Theo đó, tất cả các giáo viên và học sinh dù không đến trường nhưng vẫn dạy và học qua mạng từ ngày 2 đến hết ngày 5/2, nghỉ tết từ ngày 6/2.
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành cũng đã cho học sinh nghỉ Tết sớm hoặc chuyển sang học trực tuyến như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Tuyên Quang...