Ho ra máu cẩn thận với sán lá phổi

(khoahocdoisong.vn) - Rất nhiều người bị ho mạn tính, ho ra đờm, máu... cứ nghĩ mình mắc ung thư, lao phổi..., chạy chữa khắp nơi không khỏi, cuối cùng mới biết nguyên nhân lại do sán lá phổi.

Lo sợ, hốt hoảng vì tưởng ung thư

Ông Nguyễn Văn Bình (47 tuổi, Hà Giang) gần đây bị ho dai dẳng kéo dài, đau tức ngực đi khám được kết luận viêm phổi điều trị kháng sinh nhiều đợt bệnh không thuyên giảm. Càng ngày ông càng ho nhiều và khi ho ra đờm có rỉ sắt, thậm chí ra cả máu tươi thì cả nhà đều hốt hoảng lo ông bị ung thư.

Kết quả chụp phim cho thấy trên phổi có nhiều đám mờ kích thích nhỏ nghi ngờ ung thư di căn. Trong khi chờ đợi hội chẩn để sinh thiết các khối nghi ngờ ung thư, ông đi xét nghiệm ký sinh trùng thì phát hiện ra sán lá phổi, giun lươn ruột và giun đũa chó. Điều trị thuốc giun sán một liệu trình, ông hết đau tức ngực và giảm hẳn ho.

GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn ký sinh trùng trường ĐH Y Hà Nội cho biết, phổi bị ký sinh bởi sán lá phổi có những nang sán kích thước khoảng bằng đầu ngón tay. Trong nang sán thường có hai sán và một chất dịch mủ đỏ. Cũng có trường hợp nang sán có nhiều nối tiếp nhau thành chuỗi hoặc tạo thành các hốc nang lớn. Trên phim chụp dễ chẩn đoán là khối u. Có thể vỡ ổ sán khi ho mạnh làm tràn khí, tràn dịch màng phổi và đe dọa tính mạng.

Sán lá phổi có thể ký sinh trong người kéo dài từ 6 - 16 năm, thậm chí 30 năm. Phổi là nơi ký sinh thường xuyên của sán nhưng nhiều bộ phận cơ thể cũng có sán ký sinh như: Tổ chức dưới da, phúc mạc, màng phổi, gan, ruột, tinh hoàn, não... Trong trường hợp sán ở não biểu hiện bằng những cơn co giật... Xung quanh nang sán thường có hiện tượng viêm và tăng sinh của tổ chức. Sán lá phổi có thể gây hiện tượng thay đổi tổ chức bình thường, tổ chức của những phế quản nhỏ và một tổ chức biểu bì trụ có thể chuyển một tổ chức biểu bì lát nhiều tầng. Xung quanh nang của sán cũng thường có tổ chức xơ, xung quanh vùng xơ có nhiều bạch cầu toan tính và tế bào khổng lồ. Vì thế, có không ít trường hợp được chẩn đoán nhầm là ung thư...

Dễ điều trị nhầm sang lao

 GS.TS Nguyễn Văn Đề cho biết, những triệu chứng đầu tiên của bệnh sán lá phổi là ho có đờm lẫn máu. Sau một thời gian ho trở thành mạn tính, thường ho nhiều vào sáng sớm. Đờm thường có màu rỉ sắt, có khi máu tươi. Thỉnh thoảng bệnh nhân lại ho ra máu. Những triệu chứng rất giống với bệnh lao phổi nên nhiều bệnh nhân điều trị lao nhiều năm, thậm chí có người điều trị lao tới 30 năm không khỏi do nhiễm sán lá phổi mà không biết. Hình ảnh X-quang của phổi là những tổn thương đám mờ, mảng mờ có hang nhỏ, đôi khi giống như trường hợp lao phổi hay u phổi. Sán ký sinh ở màng phổi gây tràn dịch màng phổi...

Chẩn đoán bệnh sán lá phổi có thể một phần dựa vào những triệu chứng lâm sàng giống lao (ho ra máu hay tràn dịch màng phổi). Bệnh chỉ khác khi xét nghiệm đờm không phát hiện được vi khuẩn lao mà phát hiện trứng sán lá phổi. Bệnh nhân sán lá phổi không bị gầy sút nhanh chóng và không có những cơn sốt xảy ra vào buổi chiều như bệnh lao phổi. Tuy vậy, bệnh sán lá phổi có thể kết hợp với bệnh lao phổi và trong những trường hợp này rất khó xác định bệnh nếu dựa vào các trịệu chứng trên lâm sàng.

Để điều trị bệnh, bệnh nhân chỉ cần uống thuốc praziquantel trong 2 ngày nhưng phải được sự kiểm soát và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc vì thuốc chống chỉ định sử dụng cho một số đối tượng và có thể có những tác dụng không mong muốn. Sau điều trị khoảng 3-4 tuần, kết quả xét nghiệm đờm và phân âm tính thì xem như đã khỏi bệnh. Cần phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày liên tiếp để đánh giá một cách chính xác tiêu chuẩn khỏi bệnh. Tuy nhiên hiện nay tổn thương phổi hay tràn dịch màng phổi còn do nhiều ký sinh trùng khác gây nên như sán lá gan lớn, giun đũa chó/mèo, giun lươn…

 “Sán lá phổi xâm nhập vào người thông qua đường ăn uống. Người bị mắc bệnh sán lá phổi khi ăn tôm, cua chứa nang trùng của sán lá phổi do chưa nấu chín. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là tuyệt đối không ăn tôm, cua suối (cua đá) nước ngọt còn sống, nướng hoặc chưa được nấu chín (vì trong cua nướng có trên 20% số ấu trùng sán còn sống). Nếu người nhà hoặc trong cộng đồng có người bị bệnh thì cần phải điều trị tích cực, quản lý chặt chẽ và xử lý tốt đờm, phân do người bệnh thải ra để ngăn chặn mầm bệnh lây lan ra môi trường” – GS.TS Nguyễn Văn Đề

Theo Đời sống
Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Mỗi năm, ít nhất 1,7 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị nhiễm khuẩn huyết. Ít nhất 350.000 người lớn bị nhiễm khuẩn huyết tử vong trong thời gian nằm viện hoặc chuyển sang chăm sóc cuối đời. Vì vậy, cần biết về bệnh để phòng tránh.
back to top